Luật Thanh niên sửa đổi: Không để thanh niên nào ở lại phía sau

Sửa đổi Luật Thanh niên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả thanh niên. Ảnh: Như Ý.
Sửa đổi Luật Thanh niên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả thanh niên. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày 7/5, tại Diễn đàn tham vấn thanh niên về Bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam và dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng quá trình xây dựng Luật Thanh niên sửa đổi cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả thanh niên, không thanh niên nào bị bỏ lại phía sau.

Diễn đàn thu hút nhiều ý kiến tham góp ý đối thoại của các chuyên gia, cán bộ các tỉnh, thành Đoàn, thanh niên nòng cốt các tổ chức phi chính phủ, thanh niên yếu thế, đặc thù.

Bạn Trần Quang Thọ, đại diện cho Hanoi Queer - tổ chức tạo ra các không gian kết nối cộng đồng cho người LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) - cho rằng Nhà nước hiện chưa có văn bản nào quy định và công nhận rõ ràng về quyền lợi, vị trí chính đáng cho cộng đồng LGBT. Vì vậy, những người này mong muốn trong quá trình xây dựng Luật Thanh niên có thể tham khảo các văn bản hoặc kiến thức đã được quy định và phổ biến của các tổ chức như UN, iSEE, ICS và các tổ chức hoạt động về quyền và giới khác trên thế giới.

“Mong các nhà làm luật, nhà hoạch định chính sách quan tâm bổ sung để từng bước Nhà nước thừa nhận và có chính sách bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT. Chúng tôi mong đợi Luật chuyển giới nhanh chóng được Quốc hội thông qua”, Quang Thọ bày tỏ.

Nêu quan điểm tại diễn đàn, anh Lê Thanh Bình, Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở TPHCM cho rằng, cần có chính sách, chế độ đãi ngộ xứng đáng với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và thanh niên công tác vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, bởi đây là lực lượng và nguồn động lực rất lớn đối với phát triển kinh tế đất nước và cho cả thanh niên.

“Thanh niên ở các khu vực này rất khó khăn, thiếu thốn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để họ có thể tiếp tục cống hiến, đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều ý kiến đề xuất cho nhóm đặc thù này”, anh Bình nói.

Anh Hồ Tấn Đạt, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM, cho rằng Nhà nước cần quan tâm thực hiện các chính sách cần thiết đối với lực lượng thanh niên xung phong. Theo anh Đạt, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên xung phong được học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, bảo vệ sức khỏe; được ưu tiên giải quyết việc làm sau khi hoàn thành nhiệm vụ; được hưởng chế độ miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích...

Đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả thanh niên

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung vai trò của thanh niên trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Theo đó, xây dựng rõ ràng, phân định trách nhiệm và nghĩa vụ, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Hảo, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương cho biết các đề xuất, kiến nghị của các bạn trẻ tại diễn đàn sẽ được ghi nhận, tổng hợp đầy đủ và gửi đến các đơn vị chức năng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Thanh niên.“Tôi mong rằng các thành viên tham gia diễn đàn hãy giữ kết nối, tiếp tục trao đổi, thảo luận và đồng hành với cộng đồng thanh niên ngay cả khi dự thảo luật đã được ban hành. Các bạn chính là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng Luật Thanh niên”, ông Nguyễn Thanh Hảo nói.

Bà Phan Lê Mai (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc) cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục đồng hành với quá trình xây dựng Luật Thanh niên sửa đổi trong thời gian tới với mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả thanh niên, không thanh niên nào bị bỏ lại phía sau. “Những nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng hôm nay của các bạn cần được chính các bạn giám sát, trao đổi cùng các cơ quan soạn thảo luật”, bà Lê Mai nói.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến bàn thảo về trách nhiệm của thanh niên trong lao động, trong đó đề cao vai trò an toàn trong lao động trẻ (nước ta có hơn 1 triệu lao động trẻ bước vào thị trường lao động mỗi năm); quan tâm đến lao động không chính thức, chưa hợp đồng; quy định thanh niên có quyền tự do tham gia các hoạt động mà không bị ép buộc hay cấm đoán.

MỚI - NÓNG