Luật sư nói về việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt

Luật sư Nguyễn Phương Nam.
Luật sư Nguyễn Phương Nam.
TP - Xung quanh câu chuyện áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng, luật sư Nguyễn Phương Nam - Trưởng Văn phòng luật sư số 10, Hà Nội cho rằng, đồng ý trên thực tế có những hành vi tiền tố tụng, song cần được hợp thức hóa, hợp pháp hóa và chuyển hóa thành chứng cứ trên cơ sở luật định.

Gần đây, dư luận quan tâm câu chuyện áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng, trong đó có chuyện có thể cho phép như nghe lén, khám xét, ghi hình, thu giữ tài liệu một cách bí mật. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Theo quan điểm cá nhân, đã bước vào quá trình tố tụng, đã bị xác định là bị can, bị cáo, đương nhiên phải bước vào lao lý, và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Ở góc độ các cơ quan tố tụng, điều đó có nghĩa, tất cả thao tác trái với hệ thống pháp luật tố tụng đều không thể chấp nhận. Đặc biệt, các hoạt động tố tụng này phải tuân thủ một đạo luật cao nhất - đó là Hiến pháp.

Luật sư có thể nói rõ hơn quan điểm trên?

Tôi cho rằng, khi đã có một hệ thống pháp luật đầy đủ, có bản hiến pháp trọn vẹn điều chỉnh các hành vi trong đời sống xã hội, có nghĩa ta phải tuân thủ nó. Đến khi muốn làm khác đi, trái đi, điều cần làm trước là phải thay đổi những đạo luật ấy, hiến pháp ấy, chứ không thể đứng trên pháp luật, hay trái luật được.

“Tôi cho rằng, khi đã có một hệ thống pháp luật đầy đủ, có bản hiến pháp trọn vẹn điều chỉnh các hành vi trong đời sống xã hội, có nghĩa ta phải tuân thủ nó. Đến khi muốn làm khác đi, trái đi, điều cần làm trước là phải thay đổi những đạo luật ấy, hiến pháp ấy, chứ không thể đứng trên pháp luật, hay trái luật được”.

Luật sư Nguyễn Phương Nam

Về nguyên tắc điều tra, không phải bây giờ mới có, ngày xưa các hoạt động trinh sát còn nhiều hơn. Có thể hiểu, trinh sát là giai đoạn tiền tố tụng của cơ quan điều tra. Về câu chuyện bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, chúng ta không nên phản đối và coi đó là một biện pháp nghiệp vụ của họ. Tuy nhiên, trong hoạt động ấy, các cơ quan chức năng cần tố tụng hóa, tức là các quá trình điều tra, trinh sát ngầm ấy cần được hợp thức để đưa vào áp dụng quy định của pháp luật về tố tụng. Nếu không được tố tụng hóa, các tài liệu trinh sát này không thể được sử dụng, áp dụng các tài liệu này trong quá trình khởi tố, truy tố hay xét xử.

Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi quy định, các biện pháp “tiền tố tụng” đó phải được thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên áp dụng, và phải được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn. Ý kiến của bà ra sao về nội dung này?

Tôi đồng ý chuyện có cơ quan kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng tùy tiện xâm phạm thô bạo đời tư, nhân thân… từ quá trình điều tra. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, mọi thao tác của cơ quan tố tụng cần được luật hóa, quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực, như vậy mới đảm bảo pháp chế trong quá trình thực thi pháp luật, hiến pháp.

Cảm ơn luật sư!

MỚI - NÓNG