Vụ camera 'ngó' qua nhà hàng xóm:

Luật sư nói gì về hợp đồng bào chữa 90 triệu, người bị oan chỉ được tính bồi thường 900 nghìn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Luật sư Lễ cho rằng, thực tế luật sư không chỉ dự các buổi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng mà còn sử dụng thời gian nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, tiếp xúc với các nhân chứng, chi phí đi lại… Do đó cần phải bồi thường đúng giá trị thù lao luật sư mà bị hại phải bỏ ra.

Liên quan đến bài viết: “Vụ camera 'ngó' qua nhà hàng xóm: Chỉ được chấp nhận bồi thường oan sai 170 triệu đồng” mà Báo Tiền Phong đã phản ánh, luật sư Hồ Nguyên Lễ (thuộc đoàn luật sư TP. HCM) đã có những chia sẻ xung quanh vụ việc này.

Theo luật sư Lễ, Thông tư số 191/2014/TTLT-BTC-BTP là hướng dẫn về thanh toán thù lao và chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Trường hợp của anh Huỳnh Thanh Lam (người bị oan sai trong vụ camera ‘ngó’ nhà hàng xóm) là tự thuê luật sư để bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của anh khi bị khởi tố vụ án chứ không phải cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định luật sư bảo vệ cho anh.

“Việc anh Lam tự thuê luật sư cũng đúng quy định tại điểm h, khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị can có quyền “Tự bào chữa, nhờ người bào chữa”. Như vậy, anh Lam có quyền thuê luật thì chi phí thù lao luật sư là hợp lệ đúng pháp luật”, luật sư Lễ nêu quan điểm.

Theo điểm a, khoản 1 Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, các chi phí khác được bồi thường cho người bị thiệt hại là chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

Điểm c, khoản 2 Điều 28 quy định chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại được thanh toán theo hợp đồng thực tế nhưng không quá mức thù lao do Chính phủ quy định đối với luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và chỉ thanh toán cho một người bào chữa hoặc một người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại tại một thời điểm.

Luật sư Lễ cho rằng, thực tế luật sư không chỉ dự các buổi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng mà luật sư còn sử dụng thời gian nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, thời gian tiếp xúc với các nhân chứng, chi phí đi lại…

Luật sư nói gì về hợp đồng bào chữa 90 triệu, người bị oan chỉ được tính bồi thường 900 nghìn ảnh 1

Anh Lam trong buổi công khai xin lỗi.

Thế nhưng, Viện kiểm sát chỉ tính chi phí 1,5 ngày làm việc của luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng là chưa đủ, chưa thể hiện hết công sức làm việc của luật sư khi nhận việc bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Do đó cần phải bồi thường đúng giá trị thù lao luật sư đối với người bị thiệt hại.

Như Tiền Phong đã thông tin, ngày 6/12, Viện KSND TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã có buổi thương lượng việc bồi thường đối với anh Huỳnh Thanh Lam.

Theo đó, anh Lam đã yêu cầu bồi thường tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng, tuy nhiên, phía đại diện Viện KSND TP. Cà Mau chỉ chấp nhận số tiền thỏa thuận hơn 170 triệu đồng.

Hai bên chưa thỏa thuận được các khoản thiệt hại về các giao dịch kinh doanh mua bán trong thời gian bị cấm đi khỏi nơi cư trú; việc không thể đăng ký thành lập doanh nghiệp do trong thời gian bị khởi tố; chi phí luật sư.

Đối với chi phí thuê luật sư bào chữa, theo anh Lam, Viện KSND TP. Cà Mau áp dụng theo số ngày thực tế luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tố tụng để bồi thường cho ông số tiền chỉ gần 900.000 đồng là không hợp lý. Trong khi đó, ông có hợp đồng dịch vụ thuê luật sư là 90 triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.