Luật Lao động lại... xa rời người lao động

Luật Lao động lại... xa rời người lao động
Dự án Luật sửa đổi bổ sung là không khả thi, đã khép lại nội dung quyền đình công về quyền của người lao động và chỉ quy định trình tự, thủ tục đình công về lợi ích. Ông Lê Thanh Khương, Trưởng ban Pháp luật, Tổng LĐ LĐVN nhận xét.
Luật Lao động lại... xa rời người lao động ảnh 1
Công nhân Cty may Việt Woowon đặt tại Việt Trì (Phú Thọ) đình công đòi quyền lợi (ảnh tư liệu)

Ông Khương nhấn mạnh rằng: hơn 1000 cuộc đình công tự phát trong 10 năm qua chủ yếu đình công có nội dung về quyền. Với những quy định như dự án Luật, trong điều kiện kinh tế xã hội và trình độ nhận thức pháp luật hiện nay, có thể dự báo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động chưa khắc phục được những hạn chế, bất cập về đình công và giải quyết đình công. Dự án Luật không bắt đầu từ thực tiễn, chắc chắn không khắc phục được tình trạng đình công tự phát như đã xảy ra.

Theo ông Lê Thanh Khương, tranh chấp lao động tập thể về quyền là loại tranh chấp lao động rất phổ biến ở nước ta trong thời gian qua đồng thời sẽ vẫn là tranh chấp lao động chủ yếu trong thời gian tới. Nguyên nhân cơ bản do chủ sử dụng lao động vi phạm pháp luật về lao động, người lao động bị dồn nén, bức xúc dẫn đến đình công.

Thứ hai là do cơ quan quản lý Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, buông lỏng quản lý việc chấp hành pháp luật lao động của chủ sử dụng lao động đối với người lao động. Thứ ba là nhiều nơi chưa thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở, nơi có tổ chức công đoàn rồi thì công đoàn chưa thực sự là tổ chức của người lao động, chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Dự thảo Luật quy định giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền chỉ có con đường duy nhất là yêu cầu hoà giải, nếu hoà giải không thành thì khởi kiện ra toà án. Dự án Luật đã khép lại quyền đình công của người lao động, không cho họ đình công về quyền mà chỉ cho phép đình công về lợi ích.

Trong số hơn 1000 cuộc đình công vừa qua, nội dung đình công về lợi ích hầu như không đáng kể. Ông Khương đề xuất hướng sửa đổi: : Nên quy định đình công về quyền hoặc cho phép tập thể lao động có quyền ngừng việc nếu người sử dụng lao động vi phạm pháp luật về lao động với người lao động sau khi đã hoà giải không thành.

Đề cập về những quy định về thẩm quyền lãnh đạo, tổ chức và tham gia giải quyết đình công của tổ chức công đoàn, trong Dự thảo Luật quy định chỉ có Công đoàn cơ sở là người tổ chức lãnh đạo đình công. Nhưng trong thực tiễn, Công đoàn Việt Nam có những đặc điểm khác rất căn bản so với công đoàn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông đề nghị: Ở doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn thì việc tổ chức và lãnh đạo đình công do công đoàn cơ sở nhưng có sự hỗ trợ giúp đỡ của công đoàn cấp trên. Những nơi chưa thành lập được công đoàn cơ sở thì công đoàn quận, huyện và tương đương thực hiện quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

Nêu lên thực tế ở nước ta, Chủ tịch công đoàn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh là người của chủ sử dụng lao động, họ ăn lương giới chủ, làm công tác chuyên môn cho chủ sử dụng lao động, điều đó có nghĩa là họ làm để phục vụ giới chủ, không thể đại diện cho người lao động được, ông Khương cho rằng: Tính khả thi của việc cán bộ công đoàn cơ sở đứng ra tổ chức lãnh đạo đình công bảo vệ người lao động, chống lại “ ông chủ” là điều không tưởng.

Nếu không có cơ chế bảo vệ việc làm và thu nhập cho cán bộ công đoàn thì công đoàn cơ sở không thể tự mình tổ chức và lãnh đạo đình công. Ông đề nghị phải xem xét, tính đến một cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn để họ không phải phụ thuộc vào giới chủ như: bảo vệ về việc làm, có cán bộ công đoàn chuyên trách không phụ thuộc vào tiền lương và thu nhập của doanh nghiệp...

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề tranh chấp lao động

Trong buổi thảo luận ngày 7/6 tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động, vấn đề tranh chấp lao động tập thể và hoà giải đối với tranh chấp lao động tập thể đã thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Về tranh chấp lao động tập thể, đa số đại biểu cho rằng trong điều kiện hiện nay của đất nước chưa nên phân biệt rõ ràng giữa tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, vì tiêu chí để phân biệt 2 vấn đề này chưa rạch ròi, hơn nữa trình độ hiểu biết của người lao động về vấn đề này chưa cao.

Đại biểu Hoàng Văn Xim (tỉnh Hà Tây) lại cho rằng, trong Luật cần có những quy định rõ và cụ thể 2 loại tranh chấp trên thì việc giải quyết tranh chấp lao động mới có trình tự và có hiệu quả. Đại biểu Xim cũng cho rằng, mọi tranh chấp lao động tập thể phải được thực hiện có trình tự từ cơ sở. Sau khi cơ sở không giải quyết được sẽ gửi lên tòa án hoặc hội đồng trọng tài kinh tế các cấp, nếu như cả hai giải quyết chưa thỏa đáng, thì lúc đó người lao động có quyền được đình công.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Khanh (tỉnh Đồng Nai) lại cho rằng, nếu làm theo những quy định như dự thảo Luật khó có thể thực thi được, vì những quy định đó không sát với tình hình thực tế hiện nay. Theo nhiều đại biểu, hội đồng hòa giải đối với tranh chấp lao động phải có đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị, ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn hoặc tổ chức công đoàn lại không bênh vực quyền và lợi ích chính đáng của người lao động thì người lao động có quyền được cử đại diện của họ tham gia hội đồng hòa giải. Bên cạnh đó, bà Xinh cũng kiến nghị, trong Luật cần quy định khi giải quyết tranh chấp ở cơ sở nên mời cơ quan tham vấn cấp huyện nếu là cơ sở kinh tế trong nước, còn nếu là cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài thì cần có cơ quan tham vấn của cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Dy Niên (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị bổ sung quy định về chức năng công chức chứng thực của cơ quan ngoại giao; giá trị pháp lý của các văn bản được cơ quan này công chứng hoặc chứng thực; chức năng quản lý của Bộ Ngoại giao với hoạt động công chứng hoặc chứng thực của cơ quan đại diện ngoại giao.

Theo ông Niên, Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về lãnh sự và ký kết hiệp ước song phương với 17 nước khác. Trên thực tế, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã và đang thực hiện công chứng, chứng thực, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam thực hiện các giao dịch ở nước ngoài.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG