Luật không bắt buộc thưởng lương tháng 13

TPO - Luật không quy định bắt buộc phải thưởng tết hay tháng lương thứ 13, song theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), đây là cách thức để doanh nghiệp động viên và giữ chân người lao động.
Luật không bắt buộc thưởng lương tháng 13 ảnh 1

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, thưởng Tết là thể hiện sự chăm lo cho người lao động

Tại Hội nghị giao ban báo chí do Tổng LĐLĐVN tổ chức sáng 7/1, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN cho biết, lâu nay các doanh nghiệp thường thưởng Tết cho người lao động bằng tháng lương thứ 13.

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc phải thưởng tháng lương thứ 13 hay thưởng Tết. Song trong lao động, việc thưởng Tết đã trở thành nề nếp. “Nếu không có tiền thưởng Tết thì doanh nghiệp sẽ không động viên và không giữ chân được người lao động”, ông Quảng nói.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng cho rằng, người lao động sau 1 năm đóng góp cho doanh nghiệp thì cũng mong muốn có được một khoản thưởng. Tiền thưởng nhiều hay ít phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và điều đó thể hiện sự quan tâm đối với người lao động.

Báo cáo của Tổng LĐLĐVN cũng cho biết, trong năm 2019, thu nhập bình quân của công nhân, viên chức, lao động tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2018. Tình hình ngừng việc tập thể tiếp tục có xu hướng giảm. Trong năm 2019, cả nước xảy ra khoảng 121 cuộc ngừng việc tập thể, giảm gần 50%.

“Giảm ngừng việc tập thể một phần do doanh nghiệp quan tâm chăm lo tốt hơn cho người lao động. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở cũng từng bước phát huy vai trò đại diện người lao động trong đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Qua đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người lao động trước khi ngừng việc tập thể xảy ra”, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐVN cho biết.

Tuy nhiên, theo Tổng LĐLĐVN tình trạng nợ lương, trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, bảo hiểm y tế vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Hoạt động vay nợ, vay nóng từ các tổ chức tín dụng tư nhân với lãi suất cao biến tướng, với nhiều hình thức tinh vi, như cầm cố, mua lại sổ BHXH của người lao động dẫn đến nhiều hệ lụy.

Về hoạt động trong năm 2020, Tổng LĐLĐVN cho biết sẽ nhân rộng các mô hình thiết thực chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt để kịp thời nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người lao động. Tiếp tục nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể để đem lại lợi ích cao hơn cho người lao động.

MỚI - NÓNG