Luật Đặc khu, Luật Biểu tình 'tiếp tục nghiên cứu'

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
TPO - Đối với 10 dự án luật, pháp lệnh còn lại vẫn đề xuất tiếp tục nghiên cứu nhưng chỉ xem xét, quyết định đưa vào chương trình khi đáp ứng yêu cầu, và không cần thống kê, báo cáo hằng năm về tình hình thực hiện.

Chưa trình sửa Luật Đất đai

Sáng 14/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội.

Về chương trình năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua 6 dự án: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cảnh sát cơ động), là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Chương trình cho ý kiến gồm 3 dự án: Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 4, chương trình thông qua gồm 3 dự án: Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); cho ý kiến 1 dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2021, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2021 sẽ là 8 dự án, tăng 1 dự án so với Nghị quyết của Quốc hội. Như vậy, trong chương trình xây dựng luật trong 2 năm 2021- 2022 không có Luật Đất đai.

Uỷ ban Pháp luật cho biết, theo danh mục các luật, pháp lệnh cần ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, hiện còn 18 dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành; dự án chậm ban hành lâu nhất là 6 năm, ngắn nhất là 1 năm, các dự án khác ban hành chậm 2-5 năm.

Trong 18 dự án này, Chính phủ đề xuất không tiếp tục xây dựng 8 dự án luật, bao gồm: Luật Chủ tịch nước; Luật Tố tụng lao động; Luật Bảo đảm trật tự an toàn, xã hội; Luật Chứng thực; Luật Truy nã tội phạm; Luật Tiền lương tối thiểu; Luật Hiến máu; và Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức.

Đối với 10 dự án luật, pháp lệnh còn lại vẫn đề xuất tiếp tục nghiên cứu nhưng cho phép Chính phủ báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình khi đáp ứng yêu cầu, bảo đảm phù hợp với tiến độ chuẩn bị và không cần tiếp tục thực hiện việc thống kê, báo cáo hằng năm về tình hình thực hiện.

10 dự án luật bao gồm: Luật về Hàm, cấp ngoại giao; Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Bình đẳng giới (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Dân số; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu); Luật về Hội; Luật Biểu tình; và Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp.

Đề nghị xác định rõ thời gian

Để có cơ sở báo cáo, Uỷ ban Pháp luật đã có văn bản đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội có ý kiến đối với các dự án thuộc lĩnh vực phụ trách. Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc không tiếp tục xây dựng đối với 8 luật như trong tờ trình.

Lý do, nội dung cần điều chỉnh trong các dự án này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp (Luật Chủ tịch nước) hoặc quy định hiện hành đã đủ và phù hợp để điều chỉnh, không cần xây dựng luật (Luật Chứng thực) hoặc đã được thu hút điều chỉnh trong nhiều văn bản luật mới được Quốc hội thông qua thời gian qua (6 luật còn lại).

Đối với 10 dự án luật, pháp lệnh còn lại, ý kiến của các cơ quan cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ cần thiết tiếp tục xây dựng; đồng thời, đề nghị Chính phủ cần xác định rõ thời gian đưa các dự án luật, pháp lệnh trên vào Chương trình để các cơ quan của Quốc hội có cơ sở để giám sát và xây dựng kế hoạch công tác.

Căn cứ kết luận của cơ quan có thẩm quyền, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết làm cơ sở để Chính phủ, các cơ quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát, đôn đốc việc chuẩn bị để đưa vào Chương trình đối với 10 dự án nêu trên.

Vì vậy, Uỷ ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép từ năm 2021, sẽ không tiếp tục thực hiện về việc thống kê, báo cáo về tình hình thực hiện đối với các dự án luật, pháp lệnh trong danh mục kể trên.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.