Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với nhiều điểm mới. Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) trao đổi với báo chí về ý nghĩa của Luật Công đoàn (sửa đổi), nhất là trong việc bảo về quyền lợi của công nhân, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khi gặp khó khăn.
Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc như thế nào trong hoạt động của tổ chức công đoàn, thưa ông?
Ông Lê Đình Quảng: Có thể thấy, với Luật Công đoàn 2012, một số quyền của tổ chức Công đoàn có nhiều điểm chưa thực sự tương xứng. Chẳng hạn, lâu nay Công đoàn chỉ được tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhưng chỉ dừng lại ở mức phối hợp, kiến nghị, đôi khi chưa thể trực tiếp phản biện, bảo vệ người lao động kịp thời.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) |
Bên cạnh đó, trong và sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, không ít doanh nghiệp khó khăn, đứng trước bờ vực phá sản, kéo theo hệ lụy về chế độ phúc lợi cho người lao động, thực hiện nghĩa vụ kinh phí công đoàn không được đảm bảo.
Từ đó, những điểm mới trong Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn với một số đối tượng, sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn đó.
Việc kịp thời hỗ trợ chăm lo quyền lợi người lao động ở những đơn vị gặp khó khăn trên thực tế cũng chính là hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra sự đồng thuận, gắn kết giữa người lao động, người sử dụng lao động với tổ chức công đoàn, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh rằng, Luật mới chỉ giải quyết được phần nào những khó khăn và còn mang tính “văn bản”. Việc thực thi còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của cả hệ thống và các cán bộ công đoàn.
Quá trình áp dụng Luật Công đoàn (sửa đổi) vào thực tiễn đời sống tới đây có điều gì cần quan tâm, thưa ông?
Luật Công đoàn (sửa đổi) đã giao cho công đoàn sự chủ động mạnh mẽ, tạo ra quyền và trách nhiệm nặng nề hơn, đặc biệt là nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Cùng với đó là đảm bảo và tăng cường quyền của tổ chức công đoàn.
Vì vậy, khi Luật Công đoàn (sửa đổi) chính thức có hiệu lực (từ 1/7/2025), đòi hỏi tổ chức công đoàn phải hoạt động có hiệu quả hơn, linh hoạt, năng động và trách nhiệm hơn, chuyển mình, đổi mới. Bên cạnh đó, cần có sự minh bạch, rõ ràng ở tất cả các lĩnh vực, trong bối cảnh luật “đòi hỏi” mình cao hơn.
Chẳng hạn, mở rộng quyền gia nhập công đoàn cho cả người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động và người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, rõ ràng công đoàn sẽ gặp không ít rào cản như: Ngôn ngữ, văn hóa, cần phải chuẩn bị, để tránh hệ lụy không đáng có, nhất là những tác động đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Như vậy, khi Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực, kéo theo khối lượng công việc cần giải quyết nhiều hơn, trong khi nguồn lực còn hạn chế, thì phải nỗ lực hơn và phải đổi mới mạnh mẽ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Luật lần này giao cho tổ chức công đoàn.
Điều 30, Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn như sau:
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
3. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.
Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù kinh phí công đoàn cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.
4. Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; quy định chi tiết các nội dung khác của Điều này.