Luật An ninh mạng cùng 9 luật khác có hiệu lực từ 1/1/2019

Luật An ninh mạng cùng 9 luật khác có hiệu lực từ 1/1/2019
Luật An ninh mạng cùng 9 luật khác có hiệu lực từ 1/1/2019
TPO - Từ 1/1/2019, Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo, Luật Quy hoạch cùng nhiều dự án luật khác sẽ chính thức có hiệu lực.

10 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/01/2019 bao gồm: Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Quốc phòng; Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Thể dục, thể thao.

Cấm tổ chức, câu kết, xúi giục

Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó, việc bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của luật.

Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này, trong đó nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, luật quy định doanh nghiệp trong, ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị cấm trên không gian mạng, như: Cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cấm tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo huấn luyện người chống nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kiết toàn dân tộc…; nghiêm cấm thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia…

Không mở rộng tố cáo bằng fax, email

Luật Tố cáo gồm 9 chương, 67 điều, bổ sung quy định về tố cáo nặc danh; rút gọn trình tự giải quyết tố cáo chỉ còn 4 bước, thay vì 5 bước như quy định trước đây.

4 bước được rút gọn gồm: Thụ lý tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; bỏ bước Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của luật cũ.

Luật vẫn quy định 2 hình thức tố cáo: tố cáo bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo bằng fax hay email.

Điểm mới của luật lần này là người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận. Người tố cáo rút tố cáo nhưng nếu lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo, vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình; nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

Ngoài 10 luật kể trên, từ 1/1/2019, các quy định liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cũng có hiệu lực thi hành.

Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm. Đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Căn cứ vào quy định của luật, Thủ tướng sẽ ban hành danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật trên cơ sở đề xuất của người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước và thẩm định của Bộ Công an (trừ danh mục thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Quốc phòng).

Quy định này đã khắc phục tồn tại của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước: thống nhất một chủ thể ban hành danh mục quy định cả ba độ mật; bí mật nhà nước được quy định theo ngành, lĩnh vực, được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, không quy định danh mục bí mật nhà nước của địa phương.

Công khai quy hoạch

Luật Quy hoạch có hiệu lực từ đầu năm 2019 quy định hệ thống quy hoạch gồm quy hoạch cấp quốc gia; cấp vùng; cấp tỉnh; quy hoạch đô thị và nông thôn; quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Luật nghiêm cấm hành vi không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu liên quan đến quy hoạch…

Luật quy định, chậm nhất 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt, toàn bộ nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước…

MỚI - NÓNG