Nghiệp đe búa
Giữa trưa, trong căn nhà nhỏ, cụ Trần Đình Thức (84 tuổi, trú xóm Sơn 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) ngồi bên bếp lửa đỏ rực, miệt mài với công việc đã gắn bó suốt hàng chục năm qua.
Thuần thục đưa thanh sắt vào lò nung, thi thoảng lại nâng búa đập liên tục xuống miếng sắt đã nung đỏ đặt trên đe, cụ Thức chia sẻ: “Ông tôi, rồi cha tôi là đệ tử của cố Điền (lò rèn cố Điền nằm ở làng Sen, nơi gắn bó với Bác Hồ thời niên thiếu - PV). Bà nội tôi mặc dù là con gái nhưng trước khi mất ở tuổi 92, bà là thợ cả của lò rèn gia đình.
Trước đây, người dân ở làng nghề rèn sống chung với tiếng búa, kiếm tiền cũng nhờ tiếng búa. Sau này, nhiều hộ bỏ nghề vì không thể cạnh tranh với thị trường”.
Ông Lương (trên) và cụ Thức khoe các sản phẩm của mình |
10 tuổi, cụ Thức đã theo cha học nghề. Lớn hơn một chút, cụ vào xưởng rèn của hợp tác xã Kim Liên sản xuất nông cụ. Sau đó, cụ làm công nhân cơ khí ở mỏ than Khe Bố, Nông trường 19/5 rồi đi bộ đội. Đến năm 1977, cụ Thức ra quân, về địa phương và tiếp tục gắn bó với nghề ông cha. Nói về nghề, đôi mắt cụ Thức như sáng lên.
Cụ say sưa kể việc chọn vật liệu phù hợp cho từng sản phẩm, như liềm thì dùng sắt phi 12 của Liên Xô (cũ) hoặc thép bản uốn cong; dao dùng 100% từ thép của nhíp xe ô tô, thành phẩm sẽ cứng và bén hơn, dù giá thành cao hơn.
“Để làm ra một con dao thông thường, người thợ sẽ đốt đỏ tấm phôi sắt, dùng chạm chẻ đôi, bỏ thép vào chính giữa rồi dạt chặt lại. Tấm phôi mới sẽ được bôi bùn lên rồi tiếp tục đốt cháy, đập dẹt theo hình dao. Tiếp đến là khâu đập nguội, bào gọt xong thì đưa vào lò đốt để tôi dao. Sau đó tiếp tục dạt thẳng và bào gọt một lần nữa mới hoàn chỉnh”, cụ Thức nói.
Cánh tay gân guốc của cụ Thức vung chiếc búa tạ lên cao rồi quai xuống tấm phôi thép đang đỏ rực nằm trên đe sắt. Ở tuổi “xế chiều”, nhưng những cú quai búa của cụ vẫn rất mạnh mẽ, dứt khoát khiến tấm thép cứng rắn cũng phải “biến hình” theo ý người thợ. Theo cụ, để làm được một sản phẩm rèn có chất lượng, người thợ phải có kỹ thuật, kinh nghiệm, kỹ năng.
“Nghề rèn cũng như rèn luyện tính cách, năng lực của con người vậy. Rèn càng lâu, càng kỹ thì món đồ làm ra càng tốt, càng bền. Một dụng cụ rèn xong phải qua quá trình tôi luyện gian nan. Từ một thanh sắt vô tri được nung, đập, giũa, rèn… sẽ trở thành một dụng cụ giúp ích cho con người. Đúng là hiện tại chẳng mấy người ham cái nghề vất vả này, vừa nặng nhọc vừa chẳng có mấy thu nhập. Nhưng cũng còn có người tâm huyết với nghề lắm. Như tôi đây, đã gắn bó 50 năm nay mà vẫn chưa chán”, cụ Thức thổ lộ.
Giữ lửa nghề
Nghỉ tay búa, dạo quanh một vòng lò rèn, cụ Thức lôi các dụng cụ, máy móc ra khoe: “Đừng thấy tôi hơn 80 tuổi mà không làm được nhé. Tất cả các máy hàn, máy mài, máy khoan tôi đều sử dụng thành thục. Sau khi ra quân, tôi được người quen giới thiệu vào Sài Gòn và đã thi đậu bậc 7 thợ hàn, thợ nguội, thợ rèn và bậc 5 thợ gò”. Vừa nói, cụ Thức vừa bật máy hàn lên chạy một đường, những mối hàn đều tay, thẳng tắp.
Trong quá trình làm nghề, để tiết kiệm thời gian, công sức lao động, cụ Thức cũng đã sáng tạo, chế được đe máy (chạy mô tơ) để phục vụ nghề của mình. Những sản phẩm rèn của cụ làm ra như dao, cuốc, liềm... bền, đẹp có tiếng ở vùng, nên dù không mang hàng đi chợ bán, người dân vẫn nườm nượp tìm đến tận nhà để đặt hàng.
Ở tuổi “xế chiều”, cụ Thức vẫn đỏ lửa, quai búa mỗi ngày |
Dù nghề thợ rèn vất vả, khó nhọc, phải thức khuya, dậy sớm, suốt ngày tay chân, mặt mũi lấm lem nhưng cụ Thức vẫn rất yêu nghề và gắn bó đến khi “không làm được nữa thì thôi”. Cả bốn người con trai của cụ Thức, dù đều đang làm nghề cơ khí, nhưng không ai theo nghề rèn truyền thống. “Cứ đỏ lửa rồi quai búa suốt ngày, bọn trẻ không thích. Giờ máy móc công nghiệp đã ứng dụng vào làm hết mọi sản phẩm của làng rèn truyền thống rồi. Dao rèn không được chuộng như dao inox nữa”, cụ Thức trầm tư.
Cũng như cụ Thức, lò rèn của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lương (70 tuổi, ở xóm Sen 1, xã Kim Liên) vẫn đỏ lửa đều đặn để sản xuất ra những nông cụ hữu ích và gần gũi với đời sống sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Với ông Lương, có thể nghề rèn chẳng thể mang lại một cuộc sống sung túc, nhưng hơi ấm lửa rèn vẫn cứ mãi đọng lại trong trái tim, trở thành động lực và niềm thôi thúc trong cuộc sống.
“Nghề rèn rất vất vả nhưng lợi nhuận không nhiều, chủ yếu lấy công làm lời. Vì vậy, nhiều người không còn mặn mà với nghề nữa. Còn với tôi, việc giữ lửa nghề truyền thống không bị mai một theo năm tháng vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của một người con quê hương Kim Liên, Nam Đàn”, ông Lương tâm sự.
Gần cả cuộc đời mình gắn bó với những thanh sắt, bên lò lửa rực đỏ, điều ông Lương tự hào nhất là những sản phẩm của ông luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, không ít người dân khác làng đã tìm tận đến nhà của ông để lựa chọn những món đồ ưng ý. Cũng có khi, họ mang theo chiếc cuốc, con dao… cũ đến để gia công, mài sắc lại. Sự tín nhiệm của khách hàng là niềm động viên để những người thợ như ông tiếp tục giữ lửa nghề.
“Muốn giữ được nghề thì phải uy tín, muốn uy tín thì sản phẩm mình làm ra phải đảm bảo chất lượng. Khi người ta mua dùng thấy đúng lời mình cam kết ban đầu thì họ sẽ quay lại”, ông Lương chia sẻ.
Nghề rèn ở xã Kim Liên có từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với những cái tên nổi tiếng như cố Điền, cố Tiễng. Trong đó, lò rèn cố Điền được khởi dựng từ đời ông Hoàng Văn Luyến vào khoảng năm 1876. Theo lời kể của các bậc cao niên, từ năm 11 - 16 tuổi, cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường ra đây chơi, tìm hiểu. Tại đây, cậu hay giúp đỡ cố Điền thụt bễ, đập đe và những việc khác. … Ngày nay, nghề rèn ở Kim Liên không còn thịnh đạt như trước, thế nhưng một số hộ vẫn đỏ lửa, giữ nghề truyền thống của ông cha.
Ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết, nghề rèn ở Kim Liên đã có cách đây hơn 100 năm. Thời hoàng kim có hàng trăm hộ dân tham gia làm nghề. Những năm kháng chiến, xã Kim Liên có xưởng rèn của hợp tác xã tập hợp những thợ rèn trong vùng chuyên sản xuất nông cụ phục vụ nông dân.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, máy móc hiện đại được ứng dụng ngày càng nhiều, nghề rèn dần mai một.
“Hiện chỉ còn ít hộ theo nghề. Địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động những người còn làm nghề cố gắng giữ gìn nghề của ông cha. Đặc biệt, thông qua Di tích Lò rèn cố Điền nằm trong Khu di tích lịch sử Kim Liên để tuyên truyền, quảng bá cho thế hệ trẻ về nghề rèn ở quê hương Bác”, ông Lộc chia sẻ.