Lừa đảo xuất khẩu lao động: Công ty 'ma' ngang nhiên hoạt động đến bao giờ?

TP - Đã có hàng trăm vụ lừa đảo xuất khẩu lao động bị xử lý hình sự, nhưng dường như các công ty “ma” đã nhờn thuốc. 

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ năm 2007, trong gần 13 năm qua, cơ quan chức năng đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn đơn thư khiếu nại liên quan hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài. Hằng năm, Bộ này cũng tiếp nhận 200 - 300 đơn thư, khiếu nại của NLĐ từ các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành gửi về.

Người lao động từ các tỉnh thành về Hà Nội đòi nợ trong vô vọng
Khó xử lý hình sự

Tính đến 31/12/2019, Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 217 vụ án liên quan lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ), trong đó có 132 vụ hình sự, 80 vụ tranh chấp dân sự và 7 vụ tranh chấp lao động. Trong các vụ án này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, số lượng bị cáo không nhiều, nhưng thường là những vụ án khá phức tạp vì có nhiều người bị hại, các bị hại thường cư trú ở nhiều địa phương khác nhau, số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt lớn và được phân chia ở nhiều khâu cho nhiều người.

Tuy nhiên, con số thống kê trên mới chỉ là phần chỉ là phần nổi, nhiều quan chức, chuyên gia nhận định. Trên thực tế, các vụ việc lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ xảy ra nhiều hơn và khá nhức nhối. Ông Trần Văn Thiện, Phó trưởng phòng 7, Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an (đơn vị theo dõi lĩnh vực XKLĐ), cho biết, qua công tác đấu tranh, công an phát hiện các công ty môi giới XKLĐ hoạt động rất nhiều, rất tinh vi. Lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ, nhưng không thể hết được.

Theo ông Thiện, trong hàng trăm vụ lừa đảo đơn vị này tham gia xử lý, có rất ít vụ có đầy đủ căn cứ để xử lý hình sự. Nguyên nhân do các công ty môi giới tìm mọi cách để lách luật và đối phó cơ quan chức năng. Trong khi đó, sự hiểu biết của NLĐ còn hạn chế nên dễ bị các công ty này qua mặt, các giấy tờ thu tiền và hợp đồng thường lắt léo nên khi công an vào cuộc cũng khó chứng minh sai phạm. 

Trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước?

Trong khi trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý các công ty không có giấy phép XKLĐ chưa được đề cập cụ thể, mới đây, trong Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cho phép các doanh nghiệp XKLĐ được liên kết với các tổ chức, đơn vị để tư vấn, đào tạo lao động (điều trước nay không được phép).

Lãnh đạo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, mặc dù đa số doanh nghiệp XKLĐ ủng hộ quy định trên, nhưng nhiều người cũng băn khoăn vì có thể vô tình tạo điều kiện cho các đơn vị không có giấy phép lợi dụng để thu tiền và lừa đảo NLĐ. Theo vị này, trong luật đã có quy định cấm việc “Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tư vấn, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động”.

Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm quản lý những công ty không có giấy phép vẫn chưa được đề cập rõ. “Trong lần sửa luật này, nếu không đề cập, có thể bổ sung trong thông tư, nghị định hướng dẫn. Nếu không, tình trạng lừa đảo do các công ty này gây ra sẽ phức tạp hơn so với giai đoạn trước”, lãnh đạo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam nói.  

Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, để xảy ra tình trạng các công ty không có giấy phép XKLĐ nở rộ, hoạt động sai quy định khiến hàng loạt vụ lừa đảo xảy ra, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, đầu tiên phải kể đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát của các địa phương rồi đến Bộ LĐ-TB&XH. Các cơ quan này phải có trách nhiệm quản lý, phát hiện các hoạt động sai quy định của công ty môi giới, chứ không phải đợi có đơn tố cáo của NLĐ mới vào cuộc, để xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” như hiện nay.

Giấy tờ thu tiền thường không có dấu đỏ rõ ràng

Để hạn chế tình trạng này, luật sư Huế cho rằng, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật trong đó quy định rõ loại hình hoạt động của những doanh nghiệp này và trách nhiệm của các đơn vị chức năng trong quản lý. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền cho NLĐ, cảnh báo cho NLĐ biết về các hình thức lừa đảo trong XKLĐ.

Có những kênh kết nối phù hợp với tình hình hiện nay, tiếp cận với NLĐ qua các kênh thông tin hay trang mạng xã hội. Thậm chí, NLĐ có thể kết nối trực tiếp với chính quyền. Khi có thông tin tuyển dụng, NLĐ liên hệ để xác minh và nhận tư vấn xem có đúng hay không. Trong khi đó, NLĐ phải biết tìm kiếm, lựa chọn các kênh thông tin chính thống, khi ký kết hợp đồng có thể tham vấn ý kiến của người có chuyên môn, hiểu biết. “Xử lý vấn đề này cần một gói giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan chức năng và NLĐ”, ông Huế nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, đối với các công ty môi giới XKLĐ, có thể cho phép cơ quan công an tích cực kiểm tra và phát hiện hoạt động sai quy định. Nếu doanh nghiệp nào không có giấy phép mà hoạt động trong lĩnh vực này, cần công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân tránh, đồng thời, khuyến cáo người dân tích cực phát giác những vi phạm của các công ty này.