Ngày 5/12, tại cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng với các tổ chức tín dụng về cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận, ông Hùng khẳng định, xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận là vấn đề nóng. Các tổ chức tín dụng luôn mong muốn bảo vệ sản phẩm - dịch vụ và khách hàng của mình nhưng thật sự nhiều khi vẫn rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” nếu không có sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, các các tổ chức tín dụng và chính bản thân khách hàng.
Toàn cảnh họp của Hiệp hội Ngân hàng với các tổ chức tín dụng sáng 5/12. |
Theo ông Hùng, kẻ gian, tổ chức tội phạm quốc tế thường xuyên tìm mọi cách lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt tài khoản cũng như tài sản của khách hàng, bởi vậy công tác phòng chống, xử lý là công việc thường xuyên, liên tục của các tổ chức tín dụng để có thể hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Quý - Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi hội Thẻ - cho biết, các hình thức lừa đảo, gian lận qua trung gian thanh toán phần lớn là thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử….
Theo đó, để ngăn ngừa tình trạng trên, thời gian qua, Tiểu ban đã tổ chức họp giữa Thường trực Tiểu ban - Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) - đơn vị trung gian giữa các ngân hàng - nêu ra các tình huống, phối kết hợp đồng bộ giữa các ngân hàng để cùng tìm ra giải pháp chung, bảo vệ kịp thời quyền lợi của khách hàng.
Bên cạnh đó, ông Quý đề nghị Napas xây dựng ngưỡng và hệ thống cảnh báo ngăn chặn hoặc giảm thiểu rủi ro; có các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật để nhận diện các tài khoản có tỷ lệ gian lận lừa đảo cao; bổ sung quy định phạt không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc cung cấp các thông tin để công tác phòng ngừa, ngăn chặn nhanh và tốt hơn.
Trước đề nghị trên, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Napas - cho rằng, việc đồng thuận cần có cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận là cần thiết, nhưng để việc phối hợp có hiệu quả cao cần cái nhìn tổng thể để phân tích 3 yếu tố gồm đầu nguồn là ngân hàng phát hành - dòng tiền đi qua ngân hàng - đích đến là những ngân hàng nhận.
Ông Long chỉ rõ, nếu như trước đây đối tượng lừa đảo thường dùng tiền lừa đảo được mua những hàng hóa như kim cương, vàng, đồng hồ đắt tiền thì hiện nay, đối tượng lừa đảo thường dùng nguồn tiền lừa đảo được để mua thẻ cào nạp tiền bán cho người khác hoặc mua tiền ảo, tiền số ở nước ngoài khiến ngân hàng không thể truy vết.
“Với các ngân hàng giao dịch qua Napas, đơn vị này sẽ xây dựng quy chế, quy trình xử lý; còn đối với những giao dịch không qua Napas thì cần có đơn vị chịu trách nhiệm”, ông Long lưu ý.
Về phía cơ quan quản lý, đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, việc gia tăng tội phạm mạng đang là xu hướng chung trên toàn thế giới. Để đối phó với tình trạng này, ở góc độ cơ quan quản lý, chưa khi nào Ngân hàng Nhà nước lại có nhiều văn bản chỉ đạo và nhiều hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đầy đủ như trong 2 năm gần đây về phòng ngừa rủi ro của các hoạt động thanh toán.
Theo đại diện Vụ Thanh toán, việc đồng lòng của các tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng. “Cần xem khách hàng là chung của toàn ngành ngân hàng chứ không phải là khách hàng của riêng tổ chức tín dụng nào cả, từ đó, những nội dung thỏa thuận với khách hàng có ở ngân hàng A thì cũng phải có ở ngân hàng B”, vị đại diện nhấn mạnh.