Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Thành, bại phụ thuộc vào những người 'gác cổng'

Vụ án Trịnh Xuân Thanh là một sản phẩm lỗi của công tác cán bộ
Vụ án Trịnh Xuân Thanh là một sản phẩm lỗi của công tác cán bộ
TP - “Công tác cán bộ thành hay bại phụ thuộc vào chính những người “gác cửa” nhân sự. Nếu người làm tổ chức trong sáng, công minh thì 90% đạt yêu cầu. Chính vì vậy, cần quan tâm đặc biệt đến đội ngũ những người làm công tác cán bộ”, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an chia sẻ với Tiền Phong.

Người dân tham gia giám sát

Một trong những vấn đề đang được nhiều quan tâm, theo dõi là việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội XIII tới đây. Nhiều chuyên gia bày tỏ chính kiến, góp ý cho việc lựa chọn nhân sự nhiệm kỳ tới. Cá nhân ông thấy việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội XIII có những điểm mới nào?

Qua theo dõi 7 kỳ Đại hội liên tiếp, từ Đại hội VII cho đến Đại hội XIII này, lần nào cũng nhắc đến vấn đề nhân sự. Cán bộ luôn là vấn đề then chốt của then chốt. Thế nhưng, Đại hội lần này có hai điểm khác so với các kỳ Đại hội trước.

Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Thành, bại phụ thuộc vào những người 'gác cổng' ảnh 1


Thứ nhất là Hội nghị cán bộ toàn quốc, theo tôi được biết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã dành nhiều thời gian nói về vấn đề nhân sự. Kế đến là Hội nghị Trung ương 12 vừa qua, cũng dành nhiều thời gian bàn về nhân sự. Đó là cái mới, cái khác so với các kỳ Đại hội trước.

Lần này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề về công tác cán bộ khác so với trước đây. Vấn đề nhân sự, lựa chọn cán bộ được gắn với sinh mệnh chính trị của Đảng.

Điểm mới thứ hai là yêu cầu làm chặt chẽ từ cấp phường, xã trở lên với nhiều vấn đề mới được đề cập. Quy trình lựa chọn, giới thiệu cán bộ bắt đầu thực hiện rõ hơn, đầy đủ hơn. Tức là lần này cho người dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng một cách trực tiếp hơn.

Một trong những kiến nghị đưa ra được nhiều người tâm đắc là công khai tài sản và tạo điều kiện để người dân giám sát tài sản của cán bộ. Ông thấy sao về đề xuất này?

Tôi ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên chúng ta cũng đừng quá kỳ vọng vào điều đó. Ở các nước như Mỹ, Pháp, Nhật Bản…tất cả nguồn tài chính đều được chạy trong hệ thống ngân hàng, nên họ hoàn toàn kiểm soát được. Ví dụ, bây giờ tôi đi bán 50 cây vàng, tất cả mọi người đều biết hết, nguồn tiền đó luôn được kiểm soát. 

Còn Việt Nam chúng ta, việc quản lý tiền mặt lại hết sức lỏng lẻo. Thử hỏi, một ông cán bộ có 10 nghìn cây vàng chôn dưới đất có ai biết được không? Cho nên chuyện công khai tài sản cũng cần thiết, nhưng cũng đừng kỳ vọng quá nhiều.

Kỳ vọng vào cái tâm trong sáng của cán bộ

Vậy ông có hiến kế gì trong việc lựa chọn cán bộ?

 Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, công tác cán bộ không được như mong muốn xuất phát từ chính người làm công tác cán bộ. Gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ này là do hạn chế từ công tác cán bộ của nhiều nhiệm kỳ trước. Cho nên, người giúp việc đề xuất bác đi hoặc trình lên nhân sự vô cùng quan trọng. 

Do vậy, nút thắt cốt tử không phải là minh bạch tài sản, mà tất cả phải bắt đầu từ những người làm công tác cán bộ. Từ Trưởng Ban tổ chức Trung ương, xuống cấp vụ, cục, rồi đến Trưởng Ban tổ chức Thành ủy, Tỉnh ủy và những người làm công tác cán bộ của các bộ ngành. Thành hay bại phụ thuộc vào những người “gác cửa” về nhân sự. Có thể nói hai nhiệm kỳ vừa qua, nhiều người trong số đó không hoàn thành tốt nhiệm vụ, nếu không muốn nói bản thân họ cũng không tốt. 
Tôi cho rằng, vấn đề nhân sự phải bắt đầu từ đội ngũ giúp việc này. Nếu người làm tổ chức trong sáng, công minh thì 90% đạt yêu cầu, nên cần phải đặc biệt quan tâm. Cá nhân tôi cũng kỳ vọng vào cái tâm trong sáng của những người làm công tác cán bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến việc phải làm rõ và quy rõ trách nhiệm của chính những người tiến cử. Theo ông cần cụ thể hóa điều này thế nào?

Việc này phải trở lại với Bộ luật Hồng Đức. Thế kỷ 15, Lê Thánh Tông đã đưa ra vấn đề này rồi. Các quan đầu triều có quyền, có trách nhiệm tiến cử người thay mình hoặc tiến cử vào bộ máy. Nếu người được tiến cử không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm thì người tiến cử phải chịu trách nhiệm. Vừa qua, có rất nhiều cán bộ sai phạm, nhưng lại không có quy định nào để gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người tiến cử.

Theo tôi, lần này phải ra được một quy chế cụ thể. Trong đó phải quy định rõ với cấp tỉnh, Trưởng Ban tổ chức là người chịu trách nhiệm. Còn ở Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phải chịu trách nhiệm. Đồng thời phải có văn bản rõ ràng, ngày mấy, tháng mấy đề cử cán bộ, rồi lưu vào hồ sơ theo dõi. Có như vậy mới quy được trách nhiệm cụ thể của những người tiến cử cán bộ.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG