Lũ quét tại Lai Châu: 8 người chết và mất tích

Trang trại nuôi cá hồi và cá tầm cùng nhà cửa của các hộ ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường bị lũ san phẳng. Ảnh: TTXVN.
Trang trại nuôi cá hồi và cá tầm cùng nhà cửa của các hộ ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường bị lũ san phẳng. Ảnh: TTXVN.
TP - Mưa lớn trên diện rộng và lũ quét tại Lai Châu và Sơn La rạng sáng qua (24/6) đã khiến 8 người chết, mất tích, thiệt hại nặng nề về tài sản.

Trao đổi với Tiền Phong lúc 19h tối qua, ông Đỗ Ngọc An – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu xác nhận tỉnh này có 3 người chết, 8 mất tích và 6 người bị thương. Mưa lớn và lũ xiết khiến lực lượng tìm kiếm cứu nạn được triển khai ngay sáng sớm vẫn chưa tìm thấy những người mất tích. Lai Châu bị cô lập hoàn toàn, tất cả các tuyến đường dẫn tới tỉnh này đều bị sạt lở nghiêm trọng. Thiệt hại ước tính 50-60 tỷ đồng. Tỉnh đã huy động công an, quân đội, dân phòng và gần 500 đoàn viên, thanh niên tại địa bàn ứng cứu, khắc phục hậu quả, trước mắt ưu tiên tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ các gia đình có người chết và bị thương. Hàng loạt máy móc, nhân lực được trưng dụng nỗ lực thông các tuyến bị sạt lở dẫn về TP Lai Châu nhưng đến muộn tối qua vẫn chưa có phương tiện nào có thể lưu thông về thành phố. Quốc lộ 4D, 32, 12… bị sạt lở, mất nhiều thời gian khắc phục.

Tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, một số điểm trên các tuyến quốc lộ 4D Lai Châu - Lào Cai, Quốc lộ 12 Lai Châu - Điện Biên, Quốc lộ 32 bị sạt lở cục bộ, ách tắc nhiều giờ, một cầu bê tông qua suối Nậm Mít ở xã Mường Mít, huyện Than Uyên bị gãy sập. Tại huyện này, mưa lũ làm 1 người chết, 5 người bị thương, nhiều nhà cửa và tài sản của người dân bị cuốn trôi,và bị đất đá, vùi lấp. Bản Sang Ngà (xã Phúc Than) bị cô lập tạm thời. Các lực lượng ứng cứu đã phải vào bản bằng đường mòn để đưa các nạn nhân đi cấp cứu. 

Tại huyện Mường Tè, mưa lũ làm hỏng hai công trình thủy lợi, gây hại diện tích lớn lúa và hoa màu đang vào mùa thu hoạch… Ước thiệt hại ban đầu lên đến hàng chục tỷ đồng. Tại Quốc lộ 12, đoạn đường từ xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) tới cầu Lai Hà (huyện Nậm Nhùn); Tỉnh lộ 127, đoạn đường từ thị trấn Nậm Nhùn đi Mường Tè bị sạt lở lớn khiến giao thông ách tắc nhiều giờ. Nhiều hệ thống công trình thủy lợi, hoa màu bị hư hại, như đập kênh mương thủy lợi Pơ Mu, xã Trung Chải bị vỡ, sạt lở 12m kênh mương; nước cuốn trôi nhiều diện tích lúa của người dân xã Hua Bum đang thu hoạch và xóa sổ hàng chục ao cá.

Tại huyện Sìn Hồ, mưa to đến rất to đã gây thiệt hại lớn về hệ thống giao thông và tài sản của dân. Còn đường từ Văn Bàn (Lào Cai) đi sang Than Uyên (Lai Châu) bị tê liệt hoàn toàn vì sạt lở hàng chục điểm. Tại Quốc lộ 4H, đoạn đường từ xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) đi huyện Mường Tè xảy ra 25 điểm sạt,tuyến đường 4H đi huyện Mường Tè bị tê liệt hoàn toàn. Ba người chết gồm: ông Hà Văn Chương, 48 tuổi ở bản Noong Thăng xã Phúc Than huyện Than Uyên, do sạt lở đất; bà Phùng Ná Thì, trên 80 tuổi ở bản Chang Chảo Pá xã Hua Bum huyện Nậm Nhùn, do lũ cuốn; bà Lầu Chờ Sát 63 tuổi ở bản Tủa Sín Chải xã Tủa Sín Chải huyện Sìn Hồ, do đi làm nương bị đá rơi trúng người.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở NN-PTNT Lai Châu, cho biết cho đến tối qua hầu hết cán bộ các huyện bị mưa lũ tiếp tục tỏa về tất cả các địa phương trực tiếp chỉ đạo và tham gia cùng các lực lượng khắc phục hậu quả. Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu Sùng A Nủ cũng đã chỉ đạo các huyện Đoàn huy động tối đa Đoàn viên vào cuộc từ sáng sớm, hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại và thông tuyến giao thông.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.