Lũ lớn nhất 45 năm qua : 61 người chết và mất tích

Lũ lớn nhất 45 năm qua : 61 người chết và mất tích
TPO - Theo thống kê của BCĐ phòng chống lụt bão TƯ, tính đến 7h sáng nay 7/10 cả nước đã có 37 người chết và 24 người mất tích do mưa lũ . Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt tại Ninh Bình.

>> Thanh Hóa: 30.000 hộ dân cần được cứu đói khẩn cấp 
>> Ninh Bình: Thiệt hại do lũ lên đến 200 tỷ đồng
>> Hà Nam: Nước lũ dâng cao đe dọa nhiều khu dân sinh

Lũ lớn nhất 45 năm qua : 61 người chết và mất tích ảnh 1

Ngày 7/10/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt tại tỉnh Ninh Bình. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi đồng bào di dời lên mặt đê ở tạm tránh lũ ở xã Gia Tường, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh: Ðức Tám - TTXVN

Phóng viên Tiền phong Online tại Nghệ An cho biết, vào lúc 10h sáng nay (7/10), máy bay trực thăng chở Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đi chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ tại miền Tây nghệ An đã không thể đáp xuống vùng rốn lũ - xã Nậm Giải, Quế Phong - vì thời tiết xấu và địa hình miền núi phức tạp.

Lúc 11 giờ cùng ngày, chiếc máy bay trên đã phải quay trở lại và đáp xuống xã Châu Kim, thị trấn Quế Phong để chuyển hàng cứu trợ và chỉ đạo tình hình.

Tỉnh Sơn La có 7 người chết và 3 người mất tích; Hoà Bình 8 người chết, do lũ cuốn trôi, sạt lở đất và lật thuyền, 4 người mất tích; Ninh Bình 1 người chết, do lũ cuốn trôi; Thanh Hoá 2 người chết, do lũ cuốn trôi;

Nghệ An 16 người chết và 15 người mất tích (trong đó Nghĩa Đàn: 1 người chết; Quế Phong: 1 người chết, 15 người mất tích; Tương Dương: 2 người chết, Thanh Chương: 1 người chết, Anh Sơn 1 người chết do điện giật và 9 người khác chết do lũ cuốn trên sông chưa rõ tên và quê quán);

Yên Bái có 1 người chết và 1 người mất tích; Thừa Thiên Huế 1 chiến sĩ biên phòng bị mất tích do bị lũ cuốn trôi; Tỉnh Hà Tĩnh có 1 người chết và tỉnh Quảng Bình có 1 người chết do lũ cuốn.

Ngoài ra, mưa lũ còn làm cho gần 6.000 ngôi nhà bị đổ, sập. Số nhà bị ngập, hư hỏng là: 48.023 nhà, trụ sở cơ quan, công trình công cộng bị hư hại: 213 cái, hơn 100.000 diện tích lúa và hoa màu bị ngập và hư hại.

Sau cơn bão số 5, mưa lớn kéo dài đã xuất hiện trận lũ lịch sử trong vòng 45 năm qua đang tàn phá các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ, nặng nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái...

Lũ dữ đã làm vỡ nhiều đoạn đê, đập thuỷ lợi, sạt lở đất đá làm ách tắc nhiều tuyến giao thông...gây thiệt hại rất lớn ở các tỉnh này. Nhiều vùng dân cư ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái, Sơn La... hiện vẫn bị ngập chìm trong nước.

Lũ lớn nhất 45 năm qua : 61 người chết và mất tích ảnh 2

Cảnh ngập lụt tại xã Đức Long, huyện Nho Quan ngày 6-10. ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Lũ đã cuốn trôi, làm sập đổ, ngập chìm hàng chục nghìn ngôi nhà, nhiều người dân ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái... phải đi sơ tán tránh lũ đang trong cảnh màn trời, chiếu đất. Nhiều xã ở các huyện Thạch Thành ( Thanh Hoá); Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An); Nho Quan, Gia Viễn ( Ninh Bình); Yên Thuỷ, Lạc Thuỷ ( Hoà Bình) bị nước lũ cô lập, vẫn chưa liên lạc được.

Lũ cũng làm sạt lở đất đá, làm ách tắc nhiều tuyến đường giao thông tại các địa phương miền núi phía Bắc và Trung Bộ, phải mất nhiều ngày nữa mới khai thông được. Do làm tốt công tác sơ tán, nhiều địa phương tuy bị lũ lớn bất ngờ nhưng đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, nhất là ở hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.

Nghệ An: Phát lệnh báo động III trên sông Cả

Vào 8 giờ sáng nay 7/10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An đã phát lệnh báo động III trên sông Cả.

Theo thông báo thuỷ văn, trong 24 giờ qua, mực nước lũ tại Nam Đàn tiếp tục lên. Mực nước thực đo tại Nam Đàn hồi 7 giờ ngày 7/10/2007 là 7,73 m, dưới mức báo động III là 0,17 m.

Đề phòng nước lũ tiếp tục lên cao đến mức báo động III, tỉnh Nghệ An phát lệnh báo động III sông Cả trên toàn tỉnh.

Riêng tỉnh Nghệ An có số người thiệt mạng nhiều nhất trong trận lũ lịch sử này, trong đó có 14 người dân ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong bị lũ cuốn trôi lúc 3 giờ sáng ngày 5/10. Lũ quét xuất hiện sau một cơn mưa dữ dội, tạo thành một thác nước lớn chưa từng có ở xã Nậm Giải. Sau cơn bão số 5, xã Nậm Giải là khu vực rất nguy hiểm, chính quyền địa phương đã sơ tán toàn bộ dân khỏi địa bàn này nhưng đến đêm, một số người dân chủ quan đã trở về nhà, trong đó có 14 người bị lũ cuốn. Các lực lượng chức năng và người dân địa phương đang nỗ lực tìm kiếm 14 người ở xã Nậm Giải mất tích nhưng do nước sâu, lại bị chia cắt, đến 16h ngày 6/10, mới tìm thấy được 5 thi thể.

Từ lúc xảy ra mưa lũ đến nay, các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đang tập trung sức cứu hộ, cứu nạn, hộ đê, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương san gạt đất đá sạt lở khai thông các tuyến giao thông huyết mạch, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Lũ lớn nhất 45 năm qua : 61 người chết và mất tích ảnh 3

Gần 1000 nhà dân hai bên bờ sông Hiếu thuộc huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An bị chìm trong nước ngày 6-10. ảnh: Lan Xuân - TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương: Sáng 7/10, mực nước sông Cả tại Nam Đàn ( Nghệ An) sẽ gần đạt mức báo động III; sông Mã tại Giàng có khả năng xuống dưới mức báo động III: 0,7m; sông Bưởi tại Thạch Thành vẫn còn trên mức báo động III là 2 m; Sông Hoàng Long tại Bến Đế trên mức báo động III: 0,2 m. Tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trũng và đồng bằng ven sông các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và Nghệ An còn khá nghiêm trọng.

Theo PV Tiền phong thường trú tại Nghệ An đến 22 giờ đêm qua Nghệ An đã có 20 người chết và mất tích). Thiệt hại tài sản ước hàng trăm tỷ đồng (riêng Thanh Hóa, thiệt hại tài sản khoảng 335 tỷ đồng).

Trong đó, số nhà bị đổ, sập: 4.207; số nhà bị ngập, hư hỏng: 18.625; trụ sở cơ quan, công trình công cộng bị hư hại: 226; diện tích lúa bị ngập, hư hại: 6.183 ha; diện tích hoa màu bị ngập, hư hại: 35.171 ha; khối lượng đất bị sạt lở: 117.000 m3.

Ninh Bình : 11.000 học sinh huyện Nho Quan, Gia Viễn  phải nghỉ học

Lũ lớn nhất 45 năm qua : 61 người chết và mất tích ảnh 4
Người dân xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình chạy lũ sáng 6/10     Ảnh: TTXVN

Ngày 7/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đi kiểm tra việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5 tại tỉnh Ninh Bình. Đây một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề do cơ bão số 5 gây ra, đặc biệt là các xã vùng chậm lũ và vùng phân lũ ở huyện Nho Quan, Gia Viễn.

Sau khi thị sát thực tế, thăm hỏi, động viên bà con nhân dân vùng lũ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình về công tác khắc phục hậu quả cơn bão này.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Ninh Bình, nhất là lực lượng quân đội và công an đã cùng với địa phương chỉ đạo quyết liệt, di dời hàng chục ngàn dân ở nơi ngập nước đến nơi an toàn đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân ở 2 huyện vùng lũ; chăm lo đời sống và hỗ trợ nhân dân vùng lụt trong những ngày khó khăn.

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung chăm lo tốt đời sống nhân dân, nhất là số hộ sơ tán di dời lên ở trên các tuyến đê phải đảm bảo đủ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh... dứt khoát không để người dân phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” và thiếu lương thực do ảnh hưởng của cơn bão số 5.

Riêng đối với các hộ di dời lên nhà ở của mình trên tầng cao, Ninh Bình cũng phải xây dựng kế hoạch cụ thể chăm lo tốt nhất đời sống cho các hộ này, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thủ tướng đề nghị tỉnh huy động các lực lượng tập trung sửa chữa nhà cửa cho nhân dân, dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa đường giao thông và các trường học sớm đưa học sinh trở lại trường học và ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng lũ.

Đặc biệt Quân khu III hướng dẫn nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, khám chữa bệnh, tu sửa nhà cửa...gắn bó và chia sẻ với bà con vùng lũ.  Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội phải hỗ trợ các địa phương theo qui định hiện hành. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương xây dựng qui hoạch đầu tư ổn định vùng chậm lũ, vùng phân lũ, các đập tràn...đảm bảo an toàn cho các vùng hay bị lũ lụt xảy ra.

Được biết, do lũ lớn nên 19 xã vùng phân lũ chậm lũ Nho Quan, Gia Viễn nước ngập sâu vào nhà cửa, trường học. Hiện tại 2 huyện này có 31 trường từ tiểu học đến THPT với gần 11.000 học sinh phải nghỉ học.

Sau buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ ngành đã đi thị sát vùng ngập lụt giáp danh giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Huy động máy bay trực thăng cứu hộ dân

Sau sự cố vỡ đê, tràn đê sông Bưởi, các lực lượng quân đội, công an đã huy động máy bay trực thăng, thuyền, xuồng di dời, cứu những người vẫn đang kẹt giữa biển nước.

Lũ lớn nhất 45 năm qua : 61 người chết và mất tích ảnh 5
Người dân xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) chạy lũ  Ảnh: Hoàng Lam

Đêm 5/10, tiếng còi báo động di dời khẩn cấp liên tục vang lên tại các xã bên ngoài đê sông Bưởi (huyện Thạch Thành). Dự báo nguy cơ vỡ đê, tràn đê sông Bưởi đã được báo trước, thế nhưng đến sáng 6/10, hàng nghìn người dân của 22/28 xã của huyện Thạch Thành vẫn đang kẹt giữa biển nước chưa thể di dời. 

Sau khi đê sông Bưởi bị vỡ, tràn nước, quốc lộ 45 hướng từ TP Thanh Hóa đến huyện Thạch Thành đã bị chia cắt hoàn toàn. Nước lũ tràn, dâng nhanh chưa từng có trong lịch sử. Mực nước đã che khuất các biển báo hiệu giao thông. Hơn 22 xã của Thạch Thành và một số xã của huyện Vĩnh Lộc đã chìm trong biển nước.

Tại vị trí tràn đê sông Bưởi ở thôn Bèo, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, chiến sĩ bộ đội thuộc Đại đội 6, Lữ đoàn pháo binh 368 (thuộc Quân đoàn 1) gấp gáp bê những bì đất, cát chắn nước giữ đê.

Trong khi chúng tôi đang ghi nhận mực nước đang dâng nhanh tại vị trí đê sông Bưởi ở xã Vĩnh Hưng thì chị Lưu Thị Hiền, thôn 10, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc vừa khóc vừa tất tưởi chạy đến cầu cứu lực lượng cứu hộ: “Nhà tôi còn 6 người trong đó, cháu nhỏ mới 8 tuổi. Nước dâng không còn chỗ nào để đứng nữa. Còn nhiều người dân trong xã cũng chưa đi được vì không có thuyền”.

Tại vị trí đê ở thôn 1, xã Thạch Long (huyện Thạch Thành) có những đoạn nước đã mấp mé lên mặt đê. Thế nhưng, hàng chục hộ dân ở thôn này vừa được di dời lên đê đang dựng lều ở tạm vì không còn nơi tránh lũ.

Bà Nguyễn Thị Xuân (68 tuổi) ở thôn 1 (Thạch Long) vừa lấy những thìa cơm nguội lạnh động viên cho mẹ mình là cụ Trinh Thị Di (96 tuổi) ăn cho đỡ đói, vừa nói: “Chưa bao giờ tôi thấy lũ về nhanh như thế, đồ đạc bị cuốn trôi hết. Chỉ kịp đưa người lên đê. Các con và cháu tôi còn đang ở nhà để cố giữ được vật dụng gì thì giữ”.

Trao đổi nhanh với ông Đinh Xuân Lan - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: Sáng 6/10, toàn huyện đã có 30km đê sông Bưởi bị vỡ, sạt lở, tràn toàn tuyến; có 120.000 dân đã được di dời; nước làm ngập hơn 40.000 nhà cửa, hàng nghìn héc - ta lúa, hoa màu; có 2 người bị nước lũ cuốn trôi. Ước tính thiệt hại toàn huyện đến thời điểm hiện nay là gần 300 tỷ đồng.

Đến trưa ngày 6/10, âm thanh của những chuyến máy bay trực thăng đã xuất hiện trên vùng lũ Thạch Thành. Những gói bánh mì, lương khô, mì tôm được bọc trong các túi nilon đã được thả xuống cho người dân trong vùng lũ.

Được biết, lực lượng Quân chủng Phòng không Không quân, Công an tỉnh Thanh Hóa, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã huy động máy bay trực thăng, thuyền, xuồng và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ hộ đê, cứu dân; công tác di dời, cứu hộ dân sẽ tiếp tục được thực hiện trong đêm 6/10.

Gần 15 giờ ngày 6/10, chúng tôi ngược quốc lộ 45 và đã ghi nhận được hình ảnh bữa cơm trưa muộn, vội vàng của các chiến sĩ bộ đội thuộc đại đội 6, tiểu đoàn 2, Lữ đoàn pháo binh 368 (thuộc Quân đoàn 1).

Chiến sĩ Nguyễn Quốc Cường kể lại: “Từ chiều 5/10, chúng tôi vào tận nhà dân, di dời khỏi nhà những vật dụng cần thiết. Đến đầu sáng 6/10 thì chỉ còn có thể đưa được người ra thôi vì nước lũ dâng cao. Nhiều người dân hoảng loạn, la khóc trên mái nhà. Nhiều nơi phải cưa cửa sổ, tháo ngói lợp mái để kéo người ra. Giao thông liên lạc bị cắt hoàn toàn. Nhiều ngôi nhà vừa di chuyển người xong thì bị nước lũ cuốn đi luôn”.

Tại một số huyện trên địa bàn Thanh Hóa như Yên Định, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa… từ sáng 6/10 nước sông Mã tiếp tục dâng cao đã làm ngập nhiều làng, bản.

Dọc tuyến quốc lộ 217, 45 việc di dời dân, tài sản vẫn đang diễn ra. Nước lũ dâng cao tạo cơ hội làm dịch vụ vận chuyển xe, người ở nhiều địa phương. Trên quốc lộ 45, tại địa phận Cầu Si, xã Định Bình, huyện Yên Định, nước ngập mặt đường hơn 1km.

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa: Hiện, sự cố xói, lở khoảng 300.000 m3 đất, đá ở đập chính đang thi công ở công trình Cửa Đạt chưa thể khắc phục trong thời điểm hiện nay vì lưu lượng nước sông Chu vẫn đang chảy rất mạnh.

Ước tính thiệt hại do lũ gây ra tại công trình này là từ 40 đến 50 tỷ đồng. Đến 20 giờ 30 ngày 6/10, toàn tỉnh có 542 ngôi nhà bị cuốn, 5.400 nhà bị hư hỏng nặng, 1.670 nhà bị tốc mái, 25.378 nhà bị ngập nặng; 16.500 ha ngô bị đổ, 12.300 ha lúa bị dập nát; 155.000 tấn lương thực bị hư hỏng do không kịp di dời. Ước tính tổng thiệt hại là 475 tỷ đồng. Hiện Thanh Hóa đã có 8 người chết và mất tích.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.