> COP 17 - cơ hội mới cho Việt Nam
Những ngôi nhà cao cẳng ngày càng được đôn lên cao hơn ở ĐBSCL. |
Từ cửa Hàm Luông dọc theo sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên ngược lên sông Tiền, có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng sạt lở ven bờ sông ngày một nặng nề. Với chiều dài chưa tới 100km đường sông nhưng có đến hàng chục điểm sạt lở, trong đó có hơn 10 điểm phải cắm biển cảnh báo.
Ông Nguyễn Văn Nhèm ở Cù Lao Đất (Ba Tri, Bến Tre) cho biết: “Càng ngày nước càng ăn sâu vào đất liền. Đến mùa lũ là cả cù lao chìm trong biển nước. Nhà nào cũng có xuồng để chạy lũ”.
Theo ông Đặng Ngọc Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, chỉ tính riêng khu vực ven sông Tiền, sông Hậu thuộc tỉnh Đồng Tháp, sạt lở đã ngoạm gần 50 ha đất sản xuất của người dân.
“Cơn lũ lịch sử vừa qua gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, tổn thất chủ yếu là sạt lở bờ sông. Hiện chúng tôi cùng Bộ NN&PTNT đang tiến hành quy hoạch lại vùng sản xuất lúa vụ 3 để có vùng thoát lũ. Đồng thời có hệ thống đê bao ở những nơi sản xuất, ông Lợi cho biết.
Nhà cao cẳng
Nước lũ ngày một dâng cao. Người dân ban đầu cứ đến độ lũ về là mừng. Vậy mà, đợt lũ vừa qua khiến người dân được một phen méo mặt. Giờ đây, dọc sông Hàm Luông, ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà cao cẳng.
Ông Nguyễn Văn Mẹo, một người dân nuôi cá bè ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết, ngôi nhà ông đang cất ngay cạnh khu nuôi cá lồng cao hơn mặt sông gần 5 m. “Nhà cao cẳng càng ngày càng được đôn cao lên. Nếu không lũ về là trở tay không kịp”, ông Mẹo nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục môi trường, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển VN, đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng dễ tổn thương nhất trên trái đất do biến đổi khí hậu.