Lũ đi qua, nghĩa tình còn lại

Lũ đi qua, nghĩa tình còn lại
TP - Cả một tuần vừa qua, Yên Bái, Lào Cai sống trong cơn lũ lịch sử ở Tây Bắc, hàng triệu người dân đã cùng nhau chống lũ và khắc phục hậu quả, ít ai đong đếm lòng người, sức của nào là lớn bé, thiệt hơn...
Lũ đi qua, nghĩa tình còn lại ảnh 1

Tiếp cận thông tin chống lũ ở Yên Bái, chúng tôi cũng vô tư trong tinh thần khẩn trương, gấp gáp đến mức đã không kịp ghi lại được tấm hình người thanh niên Vy Văn Hoàng.

Người thanh niên này đã khiêng hàng xóm bị nạn vượt mưa lũ, băng qua hàng chục km đường rừng để giành giật thêm sự sống cho một người khỏi thần chết.

Hoàng năm nay 24 tuổi, sống ở thôn 2 (xã An Lạc, huyện Lục Yên, Yên Bái) - nơi mà lũ cô lập, tàn phá nhiều và lâu nhất. Ngày 8/8/2008, Hoàng cũng như nhiều thanh niên khác ở thôn 2 chứng kiến lũ ống đã cuốn trôi, làm chết nhiều người từ đêm trước đó.

Thôn 2 bé nhỏ là vậy mà có đến 7 ngôi nhà bị cuốn trôi, núi trượt đè sập. Thương tâm là gia đình anh Lương Văn Đương (Báo Tiền phong trao tặng 1 triệu đồng) có cả bố và mẹ đều bị chết, hai em trai của Đương đều bị lũ cuốn trôi, thương tích đầy mình, cái chết cận kề nếu không đưa đi bệnh viện.

Vy Văn Hoàng chứng kiến cảnh thương tâm đó liền dẹp bỏ mọi công việc gia đình đang đối phó mưa lũ, cùng với Đương khiêng Tiến (em ruột của Đương) hướng đến Bệnh viện Đa khoa Yên Bái.

Đường đồi rừng ở Yên Bái những ngày đó mưa lũ gây sạt trượt nghiêm trọng. Tất cả các quả đồi đều “uống no” nước, chỉ kém may mắn chút thôi, Vy Văn Hoàng và hai anh em của Đương có thể cùng chung số phận với những nạn nhân bị lũ ống, sạt lở cuốn trôi.

Thật may là sau khi vật lộn hơn 13 giờ Hoàng và Đương mới “kéo” được em trai của Đương vượt qua những cánh rừng hiểm trở sũng nước để ra đến con đường nối thôn 3 An Lạc với quốc lộ 70 (Yên Bái-Lao Cai).

Từ An Lạc đến thị xã Lao Cai gần hơn, nhưng lũ đã chia cắt tất cả các ngả đường để Hoàng và Đương có thể đưa bệnh nhân nguy kịch ra khỏi vùng lũ. Họ vẫn nhằm hướng bệnh viện Yên Bái để... vượt lũ. Khiêng người bị nạn cả nửa ngày thì may mắn gặp xe ô tô hỗ trợ.

Vượt một quãng đường dài trên lòng hồ Thác Bà, chúng tôi cũng đã tìm đến được thôn 2 của xã Yên Thành (Yên Bình). Nửa đêm ngày 9/8, cháu Hoàng Văn Tuấn 2 tuổi được cộng tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình của xã Yên Thành - Nguyễn Văn Yến cứu sống với tinh thần khẩn trương.

Cùng ở thôn 2, lại là người từng hỗ trợ công tác dân số tích cực cho nhiều người dân, nên anh Yến biết rõ từng nhà. Khi nghe tiếng Hoàng Văn Chứ kêu cứu bố mẹ đẻ, anh Yến đã cùng lao đến nhà của Chứ cách nơi ở của mình hơn 100 m.

Đào bới bùn đất làm sập ngôi nhà trong nhiều tiếng đồng hồ thì họ lôi được cháu Tuấn ra. Tuấn bị hoảng loạn và suy yếu, bùn đất lấp ngập ngụa khắp cả người.

Anh Yến bế bé Tuấn chạy thục mạng về nhà, tắm rửa, sưởi ấm và sơ cứu. Chắc chắn cứu được cháu Tuấn hai tuổi, anh Yến quay lại ngôi nhà đã thành đống đổ nát. Tất cả tiếp tục đào bới. Khi cháu Hoàng Thị Duy và Trần Thị Lý được moi lên thì cả hai đều đã tắt thở.

Lũ đi qua, nghĩa tình còn lại ảnh 2

Bé Hoàng Văn Tuấn được cán bộ dân số cứu thoát từ bùn đất - Ảnh: Thái Sinh

Đi qua xã Đại Minh, một cán bộ xã cho biết, ở phía cuối con suối đang lồng lộn chảy, một thanh niên đã chết trong khi vượt qua suối định ứng cứu cho những người dân phía bên kia. Tên của người thanh niên đó là  Nguyễn Thành Phương…

Trong khi nhiều nơi ở vùng lũ bị chia cắt, đội “xe ôm” tình nguyện của nhiều xã vô tư đưa cán bộ đi chống lũ, người nhà của các gia đình bị nạn đi chữa chạy cũng là những hình ảnh đẹp.

Những thanh niên lái xe ôm đưa các nhà báo chúng tôi đến tận Bạch Hà, Yên Bình là một ví dụ sinh động. Đó là những người chúng tôi chỉ kịp nhớ tên như anh Tĩnh, anh Thông, anh Tiến ở xã Vũ Linh và không ít những “quái xế” tốt tính khác…

Ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường cùng ngậm “sâm lương khô” đi thâu trưa, suốt tối đến vùng khó cũng trở nên thân thiện, tin yêu hơn bao giờ hết.

Lúc ông cùng lột quần áo, nhảy ùm xuống nước, cùng đẩy con thuyền mắc cạn với thợ thuyền ở lòng hồ Thác Bà, cốt sao đưa các nhà báo kịp về nơi có thể viết tin về vùng lũ nhanh hơn cũng là tinh thần nghĩa hiệp với vùng lũ đáng nói!

Trong mưa lũ và hiểm nguy, những ngày đó, chúng tôi đã có may mắn được cùng đi cứu trợ với Bí thư tỉnh Yên Bái Hoàng Xuân Lộc  phát từng gói mỳ tôm, từng chai nước nước uống cứu dân.

Thấy giá cả leo thang vì một số người đầu cơ, ông Lộc bảo đó là hành vi thất đức, không thể chấp nhận đựơc. Bí thư tỉnh Yên Bái chỉ đạo phải kiên quyết xử lý nghiêm những người, những doanh nghiệp tăng giá bắt chẹt dân, nếu cần thì rút ngay giấy phép kinh doanh.

Có hai việc ông đưa thành mệnh lệnh: “Không để dân đói, dân khát, dân bệnh” và “phải có ngay đường, điện cho dân”. Ông Lộc cũng chỉ đạo thanh niên tình nguyện phải có mặt ở những nơi khó khăn nhất, phải làm mọi cách cứu trợ cho dân vô điều kiện.

Những bóng áo xanh và vành mũ tai bèo đã tỏa ra những nơi gian khó để cứu trợ dân, làm vệ sinh môi trường. Những ngày ấy, chị Phạm Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Yên Bái nguyên là cán bộ Đoàn cũng lăn lộn từ sáng đến trưa, trực tiếp lên 5 chuyến máy bay để mang lương thực, nước uống cho dân các huyện bị cô lập. “Lúc này cần nhất cái ăn, cái uống, nếu mình chậm sẽ có tội với dân”- chị Trà nói…

MỚI - NÓNG