1. World Cup 2014 được coi là giải đấu đưa cái tên van Gaal vốn đã nguội lạnh trở lại với đấu trường đỉnh cao. Nơi đó, ông là một vị tướng siêu hạng, vừa "đánh trận" bằng chiến thuật, lại vừa dùng cả đòn tâm lí. Thế nhưng, đến khi dẫn dắt Man Utd, van Gaal trở lại cùng hình ảnh tầm thường đến ngột ngạt. Dù Man Utd của ông vừa đánh bại Arsenal ngay trên sân khách (2-0) ở vòng đấu trước trong khuôn khổ Premier League, nhưng chừng đó chưa đủ xoa dịu sự tức giận của các CĐV đang nhắm vào ông. Bởi rất có thể, cuối tuần này, Man Utd của ông sẽ lại thua.
Bất chấp thành tích bết bát và thất thường của Man Utd, van Gaal vẫn được FIFA điền tên vào danh sách rút gọn cho hạng mục phần thưởng dành cho HLV xuất sắc nhất năm 2014. Đây là giải thưởng cá nhân rất danh giá, dựa vào thành tích của cả năm. Nếu xét thành tích của van Gaal ở World Cup thì cực kì hợp lí, nhưng một giải thưởng khó có thể xét chỉ trong 1 giải đấu kéo dài trong 1 tháng. Và chính báo chí Anh đã nói rằng, giải thưởng này nếu thuộc về van Gaal thì đó có phải là danh hiệu cá nhân dành cho một HLV của Man Utd? Và điều quan trọng nhất, khi Man Utd vẫn đang bấp bênh, bất ổn và hoang mang như bây giờ, van Gaal có xứng đáng nhận phần thưởng ấy?
Chuyện xứng đáng hay không là do FIFA quyết định. Còn ngay ở thời điểm hiện tại, van Gaal có lẽ chẳng màng đến cái danh hiệu ấy. Với ông, cuộc sống từ khi đến Manchester đang trở nên rối rắm, vất vả và đối mặt với quá nhiều… "nguy hiểm". Đến vòng đấu thứ 10 tại giải Ngoại hạng Anh, thành tích của Man Utd còn kém hơn cả cùng thời điểm ở mùa giải năm ngoái dưới thời David Moyes.
Người ta nói rằng, đó là bi kịch, là điều không thể chấp nhận nổi, và đã có cả biểu ngữ kêu gọi van Gaal từ chức. Sự việc này lên đến đỉnh điểm khi một số tờ báo của Anh đăng tải thông tin, Ban lãnh đạo Man Utd đã bí mật liên hệ với HLV Carlo Ancelotti (HLV hiện tại của Real Madrid) để về sân Old Trafford tiếp quản chiếc ghế mà van Gaal đang ngồi, với mức lương khủng khiếp: 270.000 bảng mỗi tuần. Đáp lại, van Gaal chỉ im lặng. Ông biết rằng, đấu “võ mồm” với báo chí Anh là điều ngu xuẩn nhất.
Van Gaal đang thành công hay thất bại ở Man Utd.
2. Nhà báo A.Wilson, người từng viết tự truyện cho rất nhiều cầu thủ danh tiếng, đã bắt tay vào xây dựng một cuốn sách về Van Gaal. Ở đó, Wilson sẽ miêu tả toàn bộ con người của HLV này. Từ hành động tụt quần ở Bayern đến chuyện đấm vỡ ống kính camera trên sân, rồi cả chuyện bỏ ngang một chương trình truyền hình trực tiếp… đều sẽ xuất hiện trong cuốn sách. Van Gaal ở đó sẽ là một chân dung cá tính đến mức bạo liệt, ngang ngạnh đến mức ngạo mạn. Nhưng kì lạ thay, hình ảnh con người thật của van Gaal khác hoàn toàn so với ông ngay tại thời điểm này.
Tờ Telegraph đã thống kê rằng, suốt 12 trận đấu đã qua tại Premier League, van Gaal đứng lên, rời ghế chỉ đạo và đứng trên đường pitch chỉ 3 lần trong lúc trận đấu diễn ra. Sự biểu cảm ăn mừng của ông gần như là 0. Kể cả khi Man Utd ghi bàn thắng vào lưới Arsenal, giúp ông trút bỏ rất nhiều gánh nặng áp lực, van Gaal cũng chỉ hô một cái rồi lại cắm cúi viết lách. Tờ Telegraph cũng soi mói và phát hiện ra rằng, sở dĩ van Gaal không đi xuống sân mà cứ ngồi lì trên ghế là bởi, ông đã giao phó trách nhiệm chỉ đạo cho trợ lí Ryan Giggs. Điều này có vẻ lạ lùng, nhưng có nguyên nhân.
Ở bất kì đâu van Gaal đến làm việc, ông đều tự học tiếng ở nơi đó để giao tiếp. Tại Anh, van Gaal cũng tự học tiếng Anh, tự học lái xe tay lái nghịch. Nhưng lúc này, khả năng tiếng Anh của ông chưa thực sự lưu loát. Van Gaal có thể họp báo, có thể trò chuyện, nhưng để chỉ đạo nhanh và "nóng" với các cầu thủ trên sân thì chưa. Và ông muốn Giggs làm điều đó. Điều này không qua mắt được cánh báo chí, và nó trở thành một trò cười, khi họ nói rằng, thực chất ở Man Utd, người chỉ đạo cầu thủ trên sân lại là một trợ lí.
Van Gaal từng tuyên bố rằng, đối đầu với một đối thủ lớn đã là điều khó, đối đầu với truyền thông càng khó, bởi họ ẩn trong bóng tối, bám dai dẳng và không biết họ sẽ làm gì tiếp theo. Ở Anh, van Gaal đang đối diện với quá nhiều mũi tấn công từ truyền thông. Nó tạo nên cả những sự rạn nứt kiểu như vậy trong nội bộ Man Utd.
Tuy nhiên, cũng chính truyền thông với sự soi mói quá mức của mình cũng nhiều phen cứu cho van Gaal khỏi bẽ mặt. Bởi họ đã chứng minh rằng, van Gaal không hẳn đã "kém" như David Moyes, mà ông còn xui xẻo nữa. Từ đầu mùa giải, Man Utd đã nhận tổng cộng 40 ca chấn thương, tính trung bình cứ 3 ngày van Gaal ở đây là có 1 ca chấn thương xảy ra. Với thống kê ấy, ai cũng phải cảm thông cho van Gaal với thành tích không được như mong đợi của Man Utd.
Không chỉ có vậy, còn một con số nữa khiến van Gaal được nhìn với con mắt đỡ hằn học hơn Moyes năm ngoái. Đó là ông đã dùng tới 37 cầu thủ ở mùa giải năm nay, trong đó có tới 8 cầu thủ trẻ U23, gồm có cả những người mà ít ai biết như McNail, James Wilson… Đó có thể là hệ quả của nạn chấn thương kéo dài và nặng nề, nhưng đó cũng có thể là kế hoạch của van Gaal, một HLV luôn ưu ái cầu thủ trẻ, luôn trao cho họ cơ hội và từ đó tạo ra một thế hệ trẻ tài năng. Đó là điều van Gaal đã làm và đã thành công ở Ajax, Barca, Bayern và ĐTQG Hà Lan.
Suốt 12 trận đã qua ở giải Ngoại hạng Anh, van Gaal dùng 12 đội hình khác nhau, 5 sơ đồ chiến thuật, và 7 hệ thống tấn công. Điều đó cho thấy van Gaal vô cùng khó khăn để xây dựng lại Man Utd. Nó vất vả đến mức chính ông đã thừa nhận rằng: "Phải mất 3 năm nữa Man Utd mới ổn định". Quãng thời gian đó quá lâu, bởi chỉ 1 năm không được dự Champions League, Man Utd đã khủng hoảng nặng nề, thiệt hại tới 50 triệu bảng thu nhập. Vậy ai sẽ chịu đựng được một CLB lớn như Man Utd trải qua 3 năm tay trắng?
David Moyes chưa đầy 1 năm đã phải ra đi, còn van Gaal liệu có trụ được 3 năm nữa? Chắc chắn là không.
Người chỉ đạo thay van Gaal trên sân là Giggs.
3. Chiến thắng trước Arsenal vừa qua thể hiện khả năng chiến thuật của van Gaal. Cộng với những xui xẻo, khó khăn khách quan mà ông phải đối mặt khiến van Gaal không bị "tấn công" ác liệt như David Moyes năm ngoái. Thế nhưng, van Gaal vẫn phải chuẩn bị cho 3 tháng quyết định sắp tới. Nếu không giữ được vị trí vững chắc trong top 4, không loại trừ khả năng ông sẽ nhận án sa thải. Hiểu được điều đó, van Gaal đã gấp rút bổ sung lực lượng. Lại là truyền thông Anh tiết lộ, van Gaal đã tiếp xúc với học trò cũ tại ĐTQG Hà Lan và CLB Bayern, tiền vệ A.Robben. Vẫn là một mục tiêu nhằm "Hà Lan hóa" Man Utd. Và vẫn là một mắt xích tăng cường hàng công, chứ không phải để vá víu hàng thủ yếu và quá thiếu tương xứng.
Đến lúc này, vẫn chưa thể xác định được van Gaal đang thành công hay thất bại, càng chưa thể thấy rõ van Gaal đang tái thiết Man Utd hay phá hoại đội bóng này. Và van Gaal trở thành trường hợp HLV đầu tiên mà báo chí, truyền thông Anh không thể xác định "đánh" hay "ủng hộ" ông nữa. Và ông đã trở thành một hiện tượng lạ, một nhân vật kì lạ mà họ không thể làm như đã làm với David Moyes.
Nếu van Gaal là HLV xuất sắc nhất thế giới
Trong danh sách rút gọn 10 ứng cử viên cho danh hiệu HLV xuất sắc nhất năm 2014 của FIFA, van Gaal có tên bên cạnh những HLV rất thành công như Joachim Loew (vô địch World Cup 2014 cùng ĐT Đức), Jose Mourinho (Chelsea), Carlo Ancelotti (Real Madrid), Antonio Conte (Juventus), Jurgen Klinsmann (ĐT Mỹ), Pellegrini (Man City), Sabella (Argentina), Simeone (Atletico Madrid). Cơ hội cho van Gaal không quá lớn khi người được đánh giá cao nhất là Joachim Loew. Thế nhưng, dù sao danh sách này cũng gây ra tranh cãi từ chính báo chí Anh.
Họ nói rằng, với thành tích đứng thứ 3 World Cup 2014 với lực lượng không mạnh, cùng ấn tượng rất sâu đậm trên ghế chỉ đạo, van Gaal được coi là 1 trong 2 HLV có khả năng cạnh tranh với Loew (cùng HLV Ancelotti). Và cuộc bỏ phiếu (diễn ra vào tháng 1/2015), rất có thể Van Gaal sẽ tạo ra bất ngờ khi ông được sự ủng hộ từ báo giới Anh. Và nếu có cú sốc xảy ra, van Gaal, một HLV đang thất thế ở CLB Man Utd được tôn vinh, điều gì sẽ xảy ra? Họ có lí, bởi trong 4 năm gần đây, có tới 3 lần danh hiệu này thuộc về một HLV lúc trao danh hiệu đang dẫn dắt một CLB chứ không phải HLV của ĐTQG.
Đó có lẽ là sự ngược đời gây tranh cãi nữa ở van Gaal!