“Lót tay” xin việc còn cao, mức chịu đựng tham nhũng gia tăng

Các biểu đồ về tình hình tham nhũng; “thân quen” trong tuyển dụng vào các đơn vị công.
Các biểu đồ về tình hình tham nhũng; “thân quen” trong tuyển dụng vào các đơn vị công.
TP - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 được công bố sáng 4/4 cho thấy, tham nhũng trong khu vực công dù có giảm nhưng tỷ lệ người dân phải đưa lót tay khi xin việc làm trong khu vực công vẫn cao và mức độ chịu đựng tham nhũng có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Kiểm soát tham nhũng tốt hơn

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho hay, PAPI 2017 có xu thế đảo chiều ở chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, theo hướng tích cực hơn sau một thời gian dài trượt dốc từ năm 2013. “Người dân có cảm nhận và trải nghiệm tốt hơn về hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Mặc dù vậy, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công vẫn thấp hơn so với mức điểm của năm 2012”, ông Kamal Malhotra nói.

“Lót tay” xin việc còn cao, mức chịu đựng tham nhũng gia tăng ảnh 1 Các biểu đồ về tình hình tham nhũng; “thân quen” trong tuyển dụng vào các 
đơn vị công.

Kết quả phân tích dữ liệu thống kê PAPI 2017 cho thấy sự gia tăng về điểm ở chỉ số lĩnh vực “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, từ 5,8 điểm năm 2016 lên 6,15 điểm năm 2017. Trong đó, 33 tỉnh, thành có mức gia tăng đáng kể nhất về chỉ số kiểm soát tham nhũng, nhiều nhất là Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai và An Giang. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM ở nhóm thấp nhất, với số điểm lần lượt 5,52 và 5,46, trong khi đó Đà Nẵng đạt 6,96 còn Hải Phòng đứng cuối bảng với 4,36 điểm.

Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ người trả lời đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 23% năm 2016 xuống còn 17% năm 2017, và tỷ lệ người trả lời cho biết họ đã phải hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện/quận giảm từ 17% năm 2016 xuống còn 9% năm 2017. “Đánh giá của người dân cho thấy hiện tượng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi đưa hối lộ của cán bộ, công chức có thuyên giảm so với năm 2016”, báo cáo nêu rõ.

Đáng lưu ý, báo cáo cũng chỉ ra một thực tế rằng, tỷ lệ người dân phải đưa lót tay khi xin việc làm trong khu vực công vẫn cao. Một dấu hiệu không tích cực nữa là sự chuyển biến ở địa phương không nhiều. “Cảm nhận của người dân rằng tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm có thể là do tác động của truyền thông đại chúng về các vụ việc tham nhũng lớn được đưa ra ở cấp trung ương hơn là từ nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương. Đây cũng là khía cạnh cần nghiên cứu thêm trong thời gian tới”, báo cáo phân tích.

Tăng sức chịu đựng với tham nhũng

Một chi tiết cũng hết sức đáng chú ý được báo cáo nêu ra là mức độ chịu đựng tham nhũng có xu hướng tiếp tục gia tăng lên. Trong số những người trả lời cho biết họ đã phải đưa hối lộ trên phạm vi toàn quốc, chỉ có 3% cho biết đã tố giác về những hành vi đó, một tỷ lệ tương đương với năm 2016. Bên cạnh đó, mức tiền bị vòi vĩnh trung bình buộc người trả lời phải tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức địa phương năm 2017 cũng tăng lên đến con số là 27,5 triệu, tăng 2 triệu so với mức tiền trung bình 25,6 triệu. Do đó, người dân vẫn cho rằng, tham nhũng là một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm 2017.

Về quyết tâm của chính quyền tỉnh/thành phố trong xử lý vụ việc tham nhũng ở địa phương, người dân vẫn đánh giá rằng “không mấy biến chuyển”. Chính quyền tỉnh chưa thực sự chủ động trong kiểm soát tham nhũng. “Rất có thể những nỗ lực kiểm soát tham nhũng gần đây ở cấp trung ương ít nhiều tác động tới cảm nhận của người dân về tham nhũng vặt ở địa phương, thay vì những quyết tâm thực sự của chính quyền tỉnh trong kiểm soát tham nhũng tại địa phương”, báo cáo phân tích.

Đối với sự minh bạch thông tin, đặc biệt là thông tin đất đai, người dân phản ánh còn nhiều tồn tại. Chỉ 15% người dân biết được kế hoạch sử dụng đất ở địa phương mình, 4% người được hỏi cho biết có dịp góp ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. PAPI cũng đánh giá việc sửa đổi quy hoạch sử dụng đất ở địa phương vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dân. Phân tích rõ hơn vấn đề trên, TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, chia sẻ: “Sự không minh bạch thông tin đất đai dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau. Năm vừa qua, vụ việc ở Đồng Tâm (Hà Nội), làng biển Nam Ô (Đà Nẵng) là những ví dụ điển hình, người dân và chính quyền đã xảy ra xung đột”.

Một vấn đề nữa cũng được PAPI đề cập lần này là câu chuyện tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Kết quả cho thấy đa số người dân không sẵn sàng hy sinh môi trường vì lợi ích kinh tế, ngay cả khi lợi ích kinh tế có thể rất lớn. Người dân cũng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.