Lớp triệu phú đầu tiên của “làng ăn mày”

Lớp triệu phú đầu tiên của “làng ăn mày”
TP - Nhắc đến xã Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa, người ta thường nghĩ đến “cái nôi” của nghề ăn mày. Nhưng tại mảnh đất này gần đây đã xuất hiện lớp người giàu lên từ làm ăn chính đáng.
Lớp triệu phú đầu tiên của “làng ăn mày” ảnh 1
Triệu phú trẻ Trần Công Tiện bên khu chế xuất thủy hải sản đang xây dựng

Vợ chồng anh Tiện - chị Lẻ (thôn 10) chẳng hạn. Sau khi xuất ngũ (năm 1986), anh Tiện trở về quê cưới chị Lẻ. Một mái nhà tranh, bốn bàn tay trắng, không nghề, hai vợ chồng quyết định theo nghiệp của nhiều người trong làng: Bôn ba khắp nơi hành khất.

Với sự chắt chiu, tằn tiện, hai vợ chồng cũng dành dụm được chút ít gửi về quê nuôi đứa con nhỏ. Thế nhưng, nhiều đêm trằn trọc, anh Tiện - chị Lẻ mới hiểu được một điều không có gì mới mẻ: Nhục như kiếp ăn mày!

Và, sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, hai vợ chồng dắt díu nhau về quê, dù rằng cũng chưa biết sẽ làm gì để sống.

Thế rồi, đôi vợ chồng trẻ cũng dần tìm được lối ra cho mình. Chị Lẻ hằng ngày ra bến mua cá rồi gánh lên thành phố cách đó hơn 20km bán kiếm lời; lúc rảnh rỗi thì nấu rượu bán, đồng thời lấy bã rượu nuôi lợn.

Anh Tiện thì xin làm thuê cho một gia đình trong làng có truyền thống chế biến mắm trược, vừa kiếm bát cơm vừa chú tâm học nghề. Kinh tế gia đình dần ấm lên.

Với kinh nghiệm tích lũy được theo ngày tháng và khát khao vươn lên, vợ chồng Tiện - Lẻ quyết định tách. Ban đầu, ít vốn, anh chị chỉ làm vài chum trược, rồi thồ đi khắp nơi rao bán; thậm chí đổi cả sắt vụn rồi nhập cho các đại lý, kiếm lời…

Năm 1995, vay thêm vốn ngân hàng, anh quyết định xây thêm hơn chục chum và bể trược. Mắm trược của anh chế xuất vừa thơm ngon vừa đảm bảo vệ sinh, nhanh chóng được thị trường chấp nhận.

Tiếng lành đồn xa, một số tư thương Trung Quốc đến đặt hàng với số lượng lớn. Mỗi năm trung bình doanh thu từ mắm trược được vài trăm triệu đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở chế biến mắm và các sản phẩm khác từ thủy hải sản đang đầu tư xây dựng với số vốn hàng trăm triệu đồng, anh Tiện rất băn khoăn về việc nhiều người dân trong xã bỏ quê hương đi ăn xin.

Anh nghĩ đơn giản, nếu chịu khó tìm tòi, người dân quê anh vẫn có thể làm giàu ngay trên mảnh đất chỉ cát và cát của vùng quê này.

Câu lạc bộ “triệu phú đất ăn mày”

Tôi cảm nhận được sự phấn khích trên nét mặt ông Chủ tịch UBND xã Quảng Thái Cao Tiến Việt. Cứ như lời ông nói thì Quảng Thái bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, mà cái khác lớn nhất chính là sự tăng trưởng kinh tế.

Nhiều người dân nơi đây đã biết từ bỏ giấc mộng tay bị tay gậy để làm giàu ngay tại quê hương. Lớp triệu phú đầu tiên của Quảng Thái không chỉ có vợ chồng Trần Công Tiện - Hoàng Thị Lẻ, mà còn nhiều cái tên khác nữa được người dân nhắc đến với sự nể trọng.

Đa số họ đều còn trẻ, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Hơn thế nữa, họ chứng minh cho người đời biết rằng tại cái nôi của nghề ăn mày đã xuất hiện lớp người trẻ tuổi biết làm giàu bằng tay nghề và khối óc của chính mình - trở thành những triệu phú đầu tiên của làng ăn mày.

Giúp đỡ nhau để cùng phát triển là phương châm của lớp triệu phú này. Với họ, làm giàu cho mình và xóa cái đói cái nghèo, bỏ thói ăn xin thiên hạ cho bà con trong làng trong xã, vừa là niềm hạnh phúc vừa là trách nhiệm.

Bởi thế, ngoài việc tạo công ăn việc làm, họ còn chủ động truyền nghề cho các bạn thanh niên; đồng thời khuyến khích những người có khả năng mở xưởng riêng.

Nhờ sự động viên và cho vay vốn của lớp triệu phú này, đến nay toàn xã đã có gần 20 bạn trẻ mở được xưởng và cơ sở chế biến hải sản với những cái tên rất mới như: Hải, Hùng, Long, Tiến...

Trò chuyện với tôi, những anh Hà, anh Tiện… đều bày tỏ ý định thành lập CLB những triệu phú trẻ của quê hương Quảng Thái. Đây sẽ là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, tập hợp nguồn vốn để cùng nhau phát triển kinh tế.

MỚI - NÓNG