> Tình nguyện bên kia Cổng Trời
Khu xóm trọ nằm sâu trong con hẻm ở phố Đông Nhì, phường Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) có hơn 30 phòng trọ với gần 200 công nhân. Nhiều người trong số họ còn chưa biết đọc, biết viết.
Cô chủ xóm trọ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, người mà anh chị em công nhân vẫn thường gọi là cô Bảy, cho biết: “Công nhân xóm trọ này đều quê ở miền Tây, gia đình khó khăn, phần lớn là người Khơme, từ nhỏ đến lớn chưa từng được đi học”.
Cuộc sống của công nhân gặp nhiều khó khăn. “Ngày trước ở dưới quê không biết chữ cũng không sao đâu. Bây giờ lên đây làm công nhân, không biết chữ khổ lắm. Vừa xấu hổ với bạn bè trong Cty, lại còn dễ bị người ta lừa. Lúc mới lên đây, em bị lạc đường hoài cũng vì không biết chữ”, Thạch Thị Lô (quê Sóc Trăng) tâm sự.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đoàn phường Lái Thiêu, cho biết: “Khi biết tình cảnh trên, Đoàn phường liền vận động các đoàn viên tham gia giảng dạy lớp học xoá mù chữ. Hiện lớp học từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, bắt đầu lúc 19h30. Mỗi buổi học luôn đảm bảo có 2 đến 3 giáo viên do chính ĐVTN trong phường đảm trách”.
Lớp học chỉ có vài bộ bàn ghế cũ, được quây lại ở giữa khoảng sân chung của xóm trọ. Để hỗ trợ lớp học, cô Bảy, chủ xóm trọ tình nguyện bắc thêm bóng đèn. Sau buổi cơm tối, cô Bảy lại đi đến từng phòng để nhắc công nhân chuẩn bị vào học.
Nguyễn Thị Vân (quê Thanh Hóa), giáo viên tình nguyện kể, những ngày đầu mới thành lập, nhiều công nhân xấu hổ nên nhất quyết không chịu học. Những người tham gia học được mấy buổi đầu cũng bỏ dần.
Vân và tình nguyện viên phải đi đến từng phòng động viên, phân tích những cái lợi khi biết chữ để các bạn có động lực học tiếp. Nhiều trường hợp khó khăn, Vân và các ĐVTN góp tiền mua sách vở, bút…
Hiện là giáo viên tại một trường tiểu học trong phường, Vân xung phong dạy tình nguyện ngay khi Đoàn phường kêu gọi. Không những thế, Vân còn rủ thêm các giáo viên khác cùng tham gia.
Cô giáo trẻ Quách Kim Châu (quê Bình Thuận) tâm sự: “Mình dạy học ở trường gần như cả ngày. Đến 17 giờ, mình tranh thủ chạy đi dạy kèm kiếm thêm thu nhập, rồi quay lại lớp”.
Biết chữ để sống tốt hơn
Sau thời gian theo học, em Thạch Thị Lô đã có thể đánh vần trôi chảy. Trước kia, Lô làm may gia công ở một xí nghiệp nhỏ, không có hợp đồng lao động. Mỗi tháng Lô được chủ trả 1,2 triệu đồng.
Vừa rồi, Lô vừa xin vào Cty may lương gần 4 triệu đồng/tháng. “Lần đầu tiên trong đời em được ký tên mình, trước kia toàn chấm ngón tay vào mực rồi điểm chỉ không à”, Lô kể.
Ngoài thanh niên công nhân, lớp học còn đón nhận những em nhỏ và người già. Em Tăng Thị Pâu (8 tuổi), theo ba mẹ từ Sóc Trăng lên Bình Dương kiếm sống. Không có giấy tờ tuỳ thân, gia đình nghèo khó, Pâu chỉ biết nhìn các bạn đồng trang lứa cắp sách đến trường.
Hôm các anh chị đoàn viên trong phường tới tặng sách vở, dụng cụ học tập và kêu đi học, Pâu nhảy cẫng lên vui sướng.
Chị Lâm Thị Thi, mẹ Pâu, cả ngày làm gia công giày dép ở Cty, tối về cũng theo con đi học chữ. Những người lớn tuổi như chị Thi học mãi không vào, riêng việc giúp họ nhớ được mặt chữ đã vô cùng vất vả cho giáo viên.
Anh Nguyễn Văn Tú làm thợ hồ, bị tai nạn lao động đứt một ngón tay, lúc cầm bút cứ lóng nga lóng ngóng, cả đêm cặm cụi tập viết mãi mới được hai trang chữ cái. “Nghe cô giáo kể có nhiều em nhỏ mất cả hai tay vẫn tập viết bằng chân được nên mình phải cố gắng học để biết chữ”, anh Tú nói.
“Phường hiện có 17 chi hội thanh niên công nhân với gần 1.000 hội viên. Còn nhiều bạn chưa biết đọc, biết viết. ĐVTN trong phường đang tổ chức 5 - 7 bạn công nhân thành một lớp, với mục tiêu 100% thanh niên trong địa bàn đều biết chữ. Ngoài ra, Đoàn phường còn liên hệ với các Cty, xí nghiệp trong phường giao sản phẩm về cho các bạn gia công, tăng thêm thu nhập để tiếp tục tham gia học tập”, Bí thư Đoàn phường Lái Thiêu Nguyễn Anh Tuấn cho biết.