Lớp học giá bằng… một tô hủ tiếu

Người sáng lập, Phan Khắc Huy, tại một buổi học. Ảnh: Khánh Ly.
Người sáng lập, Phan Khắc Huy, tại một buổi học. Ảnh: Khánh Ly.
Trong diện tích 30 m2, mấy chục học trò ngồi bệt, nhiều người đến muộn phải đứng. Chốc chốc, họ gật đầu, xuýt xoa và cùng trao đổi, bàn tán trước một tư liệu thú vị.

Cả lớp đều nuối tiếc khi buổi học chủ đề “Sài Gòn lóc cóc” kết thúc. "Sài Gòn lóc cóc" là cách gọi một buổi học về những phương tiện giao thông của Sài Gòn xưa mà tiêu biểu là chiếc xe ngựa kéo trên đường phố. Đó chỉ là một trong hơn 50 buổi học ở "lớp học một tô" suốt hơn một năm qua.

Người đứng lớp là Phan Khắc Huy, chàng trai sinh năm 1987. Qua những hình ảnh tư liệu hiếm hoi cùng các video sinh động cuộc sống Sài Gòn xưa, Huy dẫn dắt lớp học quay ngược về thăm Sài Gòn những năm 1950 - 60, thời mà xe ngựa còn phổ biến.

Lớp học được tổ chức từ tháng 5/2013, đến nay đã có hơn 50 buổi học với 35 chủ đề. Sau hơn một năm hoạt động, chủ yếu được giới trẻ rỉ tai nhau và qua mạng xã hội, lớp thu hút và duy trì lượng học viên 30-40 người một buổi. Có những chủ đề hấp dẫn, người đến sau phải đứng nghe giảng.

Tên lớp ban đầu là "lớp học một đô", “nhưng Huy thấy cái tên một đô Tây quá, mà lớp học là về lịch sử Việt Nam, những gì gắn bó thân thiết và bình dị nhất nên cuối cùng nảy ra cái tên 'một tô'". 

Cách đặt tên này gây ấn tượng bởi sự gần gũi, bình dân. Lớp học nay đã được biết đến rộng rãi và thu hút nhưng mức học phí vẫn mang tính tượng trưng, bằng giá một tô hủ tiếu. Thầy giáo giải thích: "Mục đích lớn nhất của lớp học vẫn là sẻ chia kiến thức đến với càng nhiều người càng tốt".

Trong chủ đề "Du ngoạn Sài Gòn", Huy dẫn dắt cả lớp theo bước chân của một người phụ nữ nước ngoài trong cuốn Nhật ký khám phá Sài Gòn thuở ban đầu. Những hình ảnh, chi tiết thú vị về Sài Gòn hiện lên qua góc nhìn người nước ngoài với bao ngạc nhiên, lạ lẫm đã gây cuốn hút.

Chốc chốc người nghe lại ồ lên thích thú vì một chi tiết hay hình ảnh được trình chiếu. Tinh thần trao đổi, phản biện tích cực là ưu điểm ở lớp học này. Phần đặt câu hỏi sau mỗi giờ học luôn được chờ đợi với những câu chuyện, chia sẻ thú vị để vấn đề được sáng rõ hơn.

Huy kể, những chủ đề được đào sâu, phân tích khiến người hỏi và được hỏi đều vỡ vạc ra nhiều vấn đề, thấy mở mang thêm. "Bí" ở chỗ nào, Huy tìm đến các bậc thầy như Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, giáo sư Trần Văn Khê để có những lý giải cặn kẽ.

Yêu thích lịch sử, Huy dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn từ năm lớp 11. Chàng trai này từng mở một tạp chí online để chia sẻ những kiến thức tích lũy về văn hóa lịch sử chia sẻ đến mọi người. Mong muốn lớn nhất của Huy là tạo một nhịp cầu cho các bạn trẻ muốn học, muốn nghe về văn hóa lịch sử có cơ hội tiếp cận.

Ông Trần Khiêm Hùng, giảng viên Đại học Y Dược TP HCM dẫn theo con trai là Khiêm Bình đến với lớp học được 5 buổi. Ông muốn con trai hiểu biết về Sài Gòn xưa, những kiến thức lịch sử thú vị, hữu ích nhưng ở trường sinh viên ít có cơ hội tiếp cận. “Những kiến thức của Huy khá chuyên sâu, được trình bày lớp lang, cách chuẩn bị tài liệu, video cũng sinh động”, ông Hùng cho biết.

Không gian lớp học gợi không khí hoài cổ với máy đánh chữ cổ, những chiếc đèn dầu và tranh ảnh, bản đồ về Sài Gòn xưa. Em Nguyễn Như Yên, học sinh lớp 12 ở quận 6, TP HCM, bắt hai tuyến buýt đến lớp học: “Có những ngõ ngách Sài Gòn em vẫn đi qua mỗi ngày nhưng không hiểu về nguồn gốc hay những sự kiện. Lớp học kể cho em những câu chuyện lịch sử sinh động để em thấy Sài Gòn thân thuộc và gắn bó hơn”.

Ngoài những buổi học, học viên còn gắn kết bằng các chương trình ngoại khóa như buổi "Đón trăng tháng 8" nhằm tái hiện không khí đón trung thu xưa ở Sài Gòn.

Theo Khánh Ly

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG