Bài học nhỏ
Ý tưởng bắt đầu từ nhóm 5 bạn trẻ, là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). “Đào tạo kỹ năng mềm ở Việt Nam vẫn chưa được chú trọng, dù thực sự cần thiết cho quá trình phát triển của mỗi người. Do đó, nhóm xây dựng một chuỗi dự án giáo dục phi lợi nhuận để đào tạo kỹ năng mềm miễn phí cho trẻ em”, Ngô Tùng Chi - Trưởng nhóm Bright Generations, sinh viên Đại học FPT Đà Nẵng, chia sẻ.
Từ tháng 8/2014, nhóm lên kế hoạch, truyền thông, xin tài trợ... để thực hiện dự án. Những lớp học đầu tiên được tổ chức với giáo viên là những sinh viên đầy nhiệt huyết, giáo án do các bạn tự biên soạn. Đó là những “Học kỳ môi trường” tổ chức tại các trường tiểu học Tây Hồ, Hàm Nghi, hay những lớp “Em yêu trung thực” ở các trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Hoa Lư…
Nhận được sự phản hồi tích cực từ học sinh, nhóm mở rộng quy mô dự án. Mỗi khóa tuyển sinh khoảng 60 em, từ 9-12 tuổi, mỗi lớp 12-18 em. Mỗi tuần, các em học hai buổi cuối tuần và kéo dài trong
10 - 12 tuần.
Các khóa học tập trung vào 3 nội dung chính: Kỹ năng tư duy độc lập; Kỹ năng sống, và thứ 3 là kỹ năng sinh tồn. “Những bài học của Bright Generations dạy cách ứng xử đối với mọi người: gia đình, bạn bè, những đối tượng yếu thế; cách rèn luyện những tính cách tốt cho bé như: trung thực, biết cảm ơn, xin lỗi, cách tư duy, làm việc... Bên cạnh đó là những kỹ năng cần thiết khi gặp thiên tai, tai nạn như động đất, giông lốc, sấm sét, hỏa hoạn, TNGT...; các kỹ năng sơ cấp cứu, cách ứng xử khi bị lạc, bị bắt cóc...”, Tùng Chi cho biết.
Mỗi bài học sẽ có những phương pháp giảng dạy riêng với nhiều dụng cụ hỗ trợ như tranh vẽ, giấy bút, sáp màu,... Khi dạy về trung thực, các em sẽ được chia sẻ về những hành vi trung thực của bản thân với bạn bè. Các em còn được xem những vở kịch, những đoạn phim về tình cảm gia đình, về môi trường. Những dịp 8/3, 20/10, các em còn được hướng dẫn tự tay làm thiệp chúc mừng mẹ, bà và cô giáo.
Ứng xử “lớn”
“Có những em rất nghịch ngợm, năng động, nhưng cũng có những bé rụt rè khiến chúng mình rất khó khăn. Tuy nhiên, khi lớp học đã đi vào nề nếp thì rất thuận lợi. Các em rất ngoan và muốn tìm hiểu, học hỏi những điều mới”, Thái Thị Phương Ánh - thành viên bộ phận Nội dung, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, cho biết.
Sau mỗi buổi học, các thành viên của nhóm thường trao đổi về tình hình của các bé với phụ huynh để hiểu thêm về những thay đổi trong biểu hiện của trẻ. Cho con trai tham gia khóa học đầu tiên của Bright Generations, anh Ngô Trịnh Vũ (Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: “Con trai tôi thay đổi nhiều sau khi tham gia lớp học. Cháu biết quan tâm đến mọi người hơn, ngoan và biết vâng lời bố mẹ hơn. Cháu không còn hay đùa nghịch hay đòi xem tivi khuya. Mỗi lần ra đường cháu đều nhắc nhở ba tham gia giao thông đúng luật”.
Đối với các thành viên của Bright Generations, niềm hạnh phúc chỉ đơn giản là câu chuyện nhỏ mà một phụ huynh chia sẻ: “Hôm rồi chị có việc đến đón cháu muộn, cháu kể có một bác đến bảo mẹ nhờ đón giùm, nhưng bé nhớ đến buổi học lần trước nên chạy ngay đến chỗ bảo vệ”. Hay đó là lời thỏ thẻ của một bạn nhỏ: “Chị ơi em quên chưa làm bài tập, em định nói với chị là em quên mang theo, nhưng nhớ lời chị dặn phải trung thực nên em mới nói thật với chị”.
“Sự thay đổi tích cực của các bé trong cuộc sống là điều mà cả nhóm hướng đến. Bright Generations thực sự mong muốn, từ những bài học nhỏ đầu tiên, các em sẽ tạo được cho mình những cách ứng xử “lớn” trong cuộc sống, và trở thành những nhân cách lớn trong tương lai”, Tùng Chi bày tỏ.
Theo Ngô Tùng Chi, cùng với việc chuẩn bị khóa học thứ 2, nhóm đang lên nội dung khóa học BG3 về văn hóa Việt Nam để giúp các em nhỏ hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc cũng như cách để bảo vệ và phát huy truyền thống của dân tộc ta. Bright Generations còn ấp ủ kế hoạch tổ chức những buổi dạy học về kiến thức, kỹ năng mềm cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa.