Lớp học cho bệnh nhi hiểm nghèo

TP - Những khuôn mặt ngây thơ, tay dính đầy gạc, kim tiêm trong lớp học là hình ảnh quen thuộc vào các buổi chiều tại Viện huyết học và truyền máu T.Ư.

> Gần 40 triệu đồng tặng bệnh nhi hiểm nghèo

Lớp học nhân ái mở từ đầu tháng 8 là sự tiếp nối của Lớp học Hy vọng dành cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi T.Ư xuất phát từ dự án nhân đạo do Vũ Trường An (du học sinh bị bệnh máu trắng thành lập).

Sau khi Vũ Trường An qua đời (ngày 23 – 7 – 2011), CLB Niềm tin và hi vọng được thành lập để tiếp tục những ước mơ, công việc của An.

Lớp học nhỏ được trang trí bằng những con thú bông ngộ nghĩnh, hình ảnh ông mặt trời, hoa lá nhiều màu sắc giúp các em có cảm giác gần gũi với không gian bên ngoài hơn là cuộc sống nơi phòng bệnh. Lần lượt học sinh được học Toán, Văn, tiếng Anh, vẽ, âm nhạc và các kỹ năng.

Số tình nguyện viên tham gia giảng dạy luôn đông đảo chủ yếu là sinh viên, học sinh phổ thông, thậm chí có những em mới học lớp 6. Em Thùy Linh, thành viên CLB Niềm tin và hi vọng, chia sẻ: “Mọi người đến với lớp học đều mong muốn mang lại kiến thức và niềm tin trong cuộc sống, xua tan nỗi đau bệnh tật, tiếp thêm nghị lực để các em tiếp tục sống, học tập”.

Lớp học nhân ái không điểm danh cũng không chấm điểm cao thấp. Học sinh đến lớp gồm nhiều độ tuổi khác nhau.

Những mái đầu trẻ thơ chụm lại để giải câu đố vui của thầy giáo. Những nụ cười rạng rỡ hồn nhiên khiến các phụ huynh nghẹn ngào hạnh phúc. Anh Phạm Hùng, quê ở Hoài Đức (Hà Nội), nói: “Phải điều trị dài ngày khiến nhiều cháu mất niềm tin vào cuộc sống. Thầy cô ở lớp học đem lại sự thoải mái về tư tưởng cho các cháu. Tôi mong lớp học sẽ được mở tất cả các ngày trong tuần”.

Bàn tay sưng lên do kim truyền dài ngày, nhưng Phạm Hương Lan (Thái Bình) vẫn nắn nót viết câu Niềm tin cuộc sống.

“Nếu không phải đi trị bệnh thì giờ này ở quê em đã lên lớp 10. Em sẽ chăm chỉ học ở lớp nhân ái để hôm sau về quê còn theo học với các bạn”.

Anh Nguyễn Đức Huynh, giảng viên kỹ năng sống, nói: “Sự hồn nhiên, gần gũi, hiếu học của các em làm tôi không còn cảm thấy khoảng cách thầy trò nữa. Tôi muốn làm thế nào để các em cười nhiều nhất, để các em thấy cuộc sống này luôn có giá trị từng giây, từng phút”.

Em Lê Thị Hải Yến, 8 tuổi (Thanh Hóa) bị bệnh bạch cầu cấp, bước vào lớp học muộn với bình truyền còn đầy, đau đớn nhưng vẫn hào hứng chia sẻ: “Em rất thích tham gia lớp học này. Nhiều bạn mới, lại còn được cười nhiều nữa”.

Theo Báo giấy