Lớp 1,2 không học môn thế giới công nghệ

Lớp 1,2 không học môn thế giới công nghệ
TPO - Sau hơn nửa tháng được đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến nhân dân, Ban phát triển chương trình đã đưa ra một số lý giải, giải trình cũng như điều chỉnh đối với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Hai loại trải nghiệm sáng tạo

Khi dự thảo chương trình (CT) tổng thể được đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia cho rằng không nên tách hoạt động trải nghiệm sáng tạo thành một môn độc lập. Về vấn đề này, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, thực chất, hầu hết các môn học trong dự thảo CT tổng thể đều được phát triển trên cơ sở những môn đã có trong chương trình hiện hành.

Ví dụ, từ lớp 1 đến lớp 3 có môn Cuộc sống quanh ta, được xây dựng trên cơ sở môn Tự nhiên và Xã hội trong chương trình hiện hành. Chương trình nhiều nước cũng có môn học này với tên gọi tương tự.

Cuộc sống quanh ta giúp HS có những hiểu biết ban đầu về các hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh, biết giữ vệ sinh, chăm sóc sức khỏe,… Lên lớp 4, lớp 5, môn học này phân hóa thành 2 môn Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội; ở cấp THCS là 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Việc dạy học tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên phù hợp với quá trình nhận thức của HS.

Một hoạt động giáo dục cũng đang được quan tâm nhiều là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong CT mới có hai loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo gồm: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng môn học nhằm trải nghiệm kiến thức môn học trong thực tiễn; Hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp, trong đó HS dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống và tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục.

GS.Thuyết cho hay, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được phân bổ thời lượng giáo dục riêng trong dự thảo CT tổng thể thuộc loại 2. Nội dung Hoạt động trải nghiệm sáng tạo bao gồm các hoạt động tập thể (chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng Tháng Tám, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), các hoạt động tham quan, nghiên cứu thực tế, lao động, vui chơi, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng… được thực hiện theo tinh thần HS là người tổ chức hoạt động dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu và điều kiện thực hiện của cơ sở giáo dục và địa phương.

Phần lớn các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa là những hoạt động quen thuộc ở tất cả các trường phổ thông. Một số nội dung hoạt động mới trên thực tế cũng đã được triển khai ở các trường từ nhiều năm nay.

Môn Thế giới công nghệ bắt đầu học từ lớp 3

Một vấn đề khác mà dư  luận quan tâm đó là thời lượng học của học sinh Việt Nam ít hơn so với thế giới. Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết,  số liệu của OECD (The Learning Environment and Organisation of Schools, 2009, có thể tìm trên trang  https://www.oecd.org/education/skills-beyond-school/48631122.pdf) cho thấy, trong độ tuổi từ 7 đến 15, tương đương từ lớp 1 đến lớp 9, trung bình mỗi HS học 7.390 giờ (60 phút/giờ). Còn theo dự thảo CT tổng thể của Việt Nam, từ lớp 1 đến lớp 9, mỗi HS học nhiều nhất 6.957 giờ, kể cả thời gian tự học dành cho HS  tiểu học và thời gian học các môn tự chọn.

“Tóm lại, CT mới đã giảm số môn học, thời lượng học so với CT hiện hành và còn thấp hơn CT các nước. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến phê bình, Ban Phát triển CT dự kiến báo cáo Hội đồng Thẩm định Quốc gia không tổ chức dạy môn Thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy Tin học và Tìm hiểu công nghệ từ lớp 3” – GS. Thuyết cho hay.

Ông cũng lý giải nguyên nhân nhằm giảm áp lực phải trang bị phòng máy tính cho các trường tiểu học ngay từ năm đầu tiên triển khai CT mới. Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 cũng sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần.

Giải thích thêm về số lượng môn học mới được đưa vào, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay so sánh với CT nước ngoài như CT tú tài quốc tế (IB), CT của VQ Anh có 6 môn học bắt buộc;  CT Australia, Đức, Pháp có từ 5 đến 6 môn bắt buộc; CT của Mỹ có 4 môn bắt buộc toàn quốc và một số môn bắt buộc khác tùy theo từng bang; CT Malaysia bắt buộc học 10 môn; CT Trung Quốc có 12 môn bắt buộc hoặc tự chọn có giới hạn,… 

Còn ở CT mới, Ban soạn thảo xây dựng theo hướng ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT), lớp 10 có 13 môn học và 2 hoạt động giáo dục; lớp 11 và lớp 12 có 9 môn học và hoạt động giáo dục. CT hiện hành có 13 môn học và 4 hoạt động giáo dục ở tất cả các lớp.

Trong các môn học và hoạt động giáo dục, môn Giáo dục thể chất được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn; Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh chủ yếu là thực hành, luyện tập. Thực chất, chỉ có 6 môn có lý thuyết và thực hành là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 3 môn định hướng nghề nghiệp tự chọn.

MỚI - NÓNG