Lòng tin

Lòng tin
TP - Có thể nói, kết quả hội đàm, hội kiến ngày 23/5 tại Hà Nội giữa các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ Việt - Mỹ. Cả hai bên dường như đã phát triển lòng tin lẫn nhau đến mức đủ để khuyến khích họ đi xa hơn, bước vào mối quan hệ được bình thường hóa hoàn toàn.

Điều này được thể hiện rõ qua cuộc gặp giữa ông Obama và ông Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc gặp với một tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam. Điều này phần nào chứng tỏ Mỹ đã chấp nhận thể chế, hệ thống chính trị của Việt Nam. Việc hoàn toàn bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ còn được thể hiện qua một tuyên bố của Tổng thống Obama ngày 23/5 tại Hà Nội. Đó là Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam kéo dài hơn bốn chục năm qua.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm này cũng có thêm ý nghĩa trong bối cảnh tình hình biển Đông nóng lên. Gần đây, một số khu vực tranh chấp bị bồi đắp, cải tạo, quân sự hóa, dẫn đến những bất đồng, xích mích giữa nhiều bên liên quan, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ va chạm trên biển, bùng nổ xung đột vũ trang. Giờ đây, Việt Nam có thêm sự lựa chọn để nâng cao năng lực phòng thủ, nhất là trên biển và trên không. Tuy nhiên, việc mua bán vũ khí là vấn đề phức tạp, lâu dài, tốn kém, trong khi Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, cần sự ổn định để phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.

Việt Nam không dựa vào siêu cường hoặc bắt tay với bất kỳ nước nào để chống lại nước thứ ba. Việt Nam không để mình trở thành con tốt trên bàn cờ tranh giành ảnh hưởng, tranh quyền đoạt lợi giữa các nước lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, của các nước có lợi ích ở biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, các thành viên ASEAN…

Lợi ích của nhiều nước trên thế giới đối với vấn đề biển Đông chỉ là tự do hàng hải. Họ đã lên tiếng rằng, các bên liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông cần giải quyết vấn đề một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài thường trực…

TS Vijay Sakhuja (Giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.