Bà Nguyễn Thị Nhung ở thôn Tiếu, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang mới đây đã mua con lợn hơn 70 kg, giá hơn 9,5 triệu đồng để tổ chức đám cưới cô con gái út. Trước đây, khi giá rẻ, lợn được chế biến thành nhiều món như nướng, giò và các món truyền thống của địa phương như canh thênh thang (canh thịt và hành), khâu nhục. Năm nay, do thịt lợn đắt, gia đình làm món thịt nướng và canh thênh thang, các món thịt lợn trước đây được thay bằng chim bồ câu, trứng vịt lộn.
Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều đám cưới ở các vùng quê hiện nay. Thịt lợn vốn là một món ăn truyền thống, giá vừa phải, được sử dụng nhiều trong đám cưới. Nay, đắt hơn nên các món ăn như gà, chim, cá… được đưa vào thay thế.
Không chỉ ở Bắc Giang, đám cưới tại Hà Nội cũng bị tác động bởi giá thịt lợn. Bà Thanh, chủ cửa hàng dịch vụ cưới hỏi ở 17B Hàng Lược, cho biết, giá thịt lợn tăng mạnh, nên lợn quay cũng vì thế tăng giá theo. Hiện tại, giá lợn quay làm lễ dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/kg. Một cỗ lợn quay thường có trọng lượng từ 7-10kg, thế nên riêng tiền lợn đã mất 2,5 - 3 triệu đồng.
“Do giá cao nên chúng tôi không làm sẵn như trước, khách hàng phải đặt cọc chắc chắn cửa hàng mới mua lợn về quay. Lợn tăng giá, nhiều người quyết định lựa chọn lễ vật khác, nên số lượng cỗ lợn cũng giảm đi. Gần 20 năm làm nghề, đây là thời điểm khó khăn nhất của cửa hàng nhà mình. Số lượng thịt bán ra giảm gần một nửa so với ngày trước”, bà Thanh nói.
Anh Hưng, chủ cửa hàng dịch vụ cưới hỏi Hưng Thịnh, phố Hàng Than, Ba Đình cho biết, nhiều khách sau khi tham khảo giá cả đều kêu giá lợn quá đắt. “Làm dịch vụ trong thời điểm thịt lợn tăng giá cao, bản thân các cơ sở như chúng tôi cũng thấy rất khó khăn. Năm trước thời điểm này giá lợn quay chỉ khoảng 170.000-200.000 đồng/kg, ngày đẹp chúng tôi bán 5-10 con. Năm nay giá tăng gần gấp đôi, số lượng giảm nên cả tháng nay chưa bán nổi 3 con. Biết tăng giá sẽ khó nhận đơn hàng, nhưng không còn cách nào khác”, anh Hưng nói thêm.