Lối yêu hạ cấp

Lối yêu hạ cấp
TP - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình kể, ông “chết đứng” khi thấy một lư hương tại chùa Cầu Cá, P.Ngọc Lâm, Q.Long Biên (Hà Nội) có khắc rõ ràng tên từng người cúng tiến.?Lư hương được đặt ngay trước chính điện chùa này. Ông Bình nhận xét: “Mọi người sẽ đứng thắp hương, cúi lậy tên cả nhà tín chủ trước khi vào lễ Phật”.

Một nhà nghiên cứu khác phàn nàn tình trạng nhiều chùa lập bia ghi tên người công đức. Người dân thấy bia liền cắm hương bên cạnh. Thành thử, họ đang thắp hương người sống.

Tình trạng dở khóc dở cười này sinh ra từ não trạng tham danh, nhiều phật tử muốn được ghi tên mình khi cúng tiến. Họ quên mất tinh thần Phật là hỷ xả, làm việc nên làm thì không cầu mọi người phải nhớ tới!

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL thì cho hay: Trong quá trình thanh tra nhiều di tích, gặp nhiều trường hợp ghi tên công đức được ghi quá to, quá rõ trên hạng mục họ góp tiền xây dựng. Những trường hợp như thế, thanh tra đều có nhắc nhở cơ sở thờ tự ngay lập tức.

Nhưng chắc chắn sẽ chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa” khi người cung tiến thì tham danh, còn người có trách nhiệm nơi đình chùa miếu mạo thì “chiều”. Mà chiều để làm gì, há không phải là để thu hút nguồn lợi về phía mình?!

Cũng là để “lưu danh”, lại có một kiểu khác: Viết bậy. Nhà thờ Đức Bà ở TPHCM khổ sở với những dòng “lưu bút” này. Ở chùa Bái Đính, người ta còn viết bậy và ký tên ngang nhiên vào… tranh Phật. Trong nhiều đền chùa, có cả những dòng chữ với nội dung hết sức vớ vẩn, được hình thành một cách nham nhở từ bút xóa, phấn, gạch, dao khắc…

Ở châu Âu, bảo tàng, nơi thờ tự được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Những người yêu nghệ thuật đều nhớ “vụ án hôn tranh”. Năm 2007, một cô gái quốc tịch Campuchia, vào Viện Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại của thành phố Avignon (Pháp).

Cô này đã hôn vào một tác phẩm của nghệ sỹ trứ danh người Mỹ Cy Twombly. Nụ hôn đã để lại một dấu đỏ trên bức tranh. Mặc dù cô gái này biện hộ rằng quá rung động trước bức tranh, nhưng cô vẫn phải ra tòa và toà án đã xử phạt cô gái “yêu nghệ thuật” này gần 20.000 euro.

Cứ cho đó là yêu nghệ thuật, nhưng yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau. Đó là chuyện xứ người. Còn chuyện ở xứ ta? Dứt khoát đó không phải là yêu đạo hay yêu người, dứt khoát đó chỉ là chuyện yêu bản thân. Mà rõ ràng đây là lối yêu hạ cấp.

Buồn nỗi, kiểu yêu này lại được khuyến khích ngầm – với trường hợp công đức có điều kiện được ghi danh; và, được thả lỏng – vì thiếu đầu tư lực lượng bảo vệ, với trường hợp viết bậy, khắc bừa.

Nói theo kiểu lúc nào cũng đúng, là cần phải nâng cao ý thức chung! Thực tế, chỗ đầu tiên phải nâng, chính là ở cơ sở thờ tự. 

MỚI - NÓNG