Lời xin lỗi của Bộ trưởng Phát

TPO - Bộ trưởng Cao Đức Phát là người hiểu hơn ai hết nỗi đau của căn bệnh ung thư. Người vợ và cũng là người bạn học thời gian khó đã đồng hành với ông suốt 30 năm đã ra đi mãi mãi bởi căn bệnh này khi chưa kịp cảm nhận được với vai trò phu nhân của Bộ trưởng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời Báo Lao Động. Ảnh: Hải Nguyễn/Lao Động

Và có lẽ bà cũng chưa được hưởng niềm vui và cuộc sống ấm no hơn khi có chồng làm "quan". 

Trong nhiều cuộc họp tại Bộ NN&PTNT về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ông đã chia sẻ nỗi đau này với lãnh đạo các cục, vụ để thể hiện quyết tâm đầy lùi thực phẩm bẩn và thực sự trong thời gian gần đây việc ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi đã được làm mạnh mẽ hơn bao giờ hết và làm đến đâu công bố công khai cho báo chí đến đấy, thậm chí mời báo chí đồng hành với đoàn kiểm tra chất cấm. 

Nhiều lần ông đã nổi nóng với những báo cáo khô khan mà thiếu những đánh giá sát tình hình của các đơn vị chức năng trong bộ tại những cuộc họp hàng tuần về nội dung này. 

Chia sẻ với báo chí chiều nay, ông Phát cũng bày tỏ, mình thường xuyên ăn cơm bệnh viện khi vào thăm người mẹ già đang phải nằm viện hai tháng nay. Ông hiểu hơn bao giờ hết việc đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến sinh mệnh mỗi người, liên quan đến nòi giống Việt Nam. Nhưng việc này không phải một mình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm được.

Câu nói của ông là đa số thực phẩm an toàn không hề sai bởi nếu tất cả nông sản Việt Nam là bẩn, gây ung thư thì chắc chắn chúng ta cũng không còn ngôi đây bình phẩm về lời nói của bộ trưởng và Việt Nam không thể xuất khẩu hàng tỷ đô la nông sản ra nước ngoài. 

Nếu chúng ta coi câu nói của ông Phát là sai thì phải chăng tất cả sản phẩm rau, thịt của nông dân Việt Nam là bẩn, chỉ có sản phẩm của một số doanh nghiệp là sạch.

Chính ông Phát cũng thừa nhận tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng đáng báo động cần sự vào cuộc của cả xã hội, nhưng không có nghĩa là tất cả người dân Việt Nam đang ăn thực phẩm bẩn bởi nông sản Việt Nam đang được hầu hết các thị trường khó tính nhất chấp nhận với một quy trình kiểm soát bài bản, chặt chẽ.

Tuy nhiên, để người dân không biết đâu là thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch rõ ràng có trách nhiệm của ông, của cả Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Công Thương và chính quyền các địa phương.

Nói vậy để thấy nếu chúng ta lấy một câu nói chưa hết ý của Bộ trưởng Phát để gán ghép ông coi thường dân thì quả thật có phần không fair chút nào. Nhưng ông Phát, bằng sự chân thành của mình đã sẵn sàng nhận lỗi trước nhân dân về phát ngôn của mình. 

Và hy vọng sau sự cố vạ miệng này ông sẽ càng quyết tâm hơn trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn với một thái độ cương quyết, không chấp nhận 1% thực phẩm không an toàn, bởi đối với đồ ăn thức uống hàng ngày của người dân thì 1% còn bẩn cũng là quá nhiều và không thể chấp nhận được.