Gói kích thích kinh tế lần 2:

Lối thoát cho doanh nghiệp năm 2021?

Cộng đồng doanh nghiệp liêu xiêu vì dịch bệnh. Trong ảnh, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đóng cửa vì COVID-19
Cộng đồng doanh nghiệp liêu xiêu vì dịch bệnh. Trong ảnh, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đóng cửa vì COVID-19
TP - Bộ KH&ĐT dự thảo chính sách hỗ trợ nền kinh tế lần thứ 2 (gói kích thích kinh tế lần 2). Các chuyên gia cho rằng, cần đẩy nhanh thực hiện gói này, để tạo động lực cho doanh nghiệp và nền kinh tế vươn lên.

Doanh nghiệp, người dân lao đao 

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 có  hơn 32 triệu người lao động bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm và giảm thu nhập. Đặc biệt, có tới 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động bị mất việc làm vì COVID-19.  Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 chỉ đạt 2,91%, là mức tăng thấp nhấp trong vòng 10 năm qua.

Là một trong những trụ cột của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng rơi vào thế lao đao. Năm 2020, cả nước có gần 102.000 DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, có gần 47.000 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 62,2% so với năm 2019. Có tới một nửa số DN tạm ngừng kinh doanh có “tuổi đời” dưới 5 năm. Các DN hoạt động 5-10 năm chiếm gần 30% số DN tạm ngừng hoạt động.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải.

“Nhiều DN rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng nhưng chưa bảo đảm chất lượng và thiếu tính bền vững. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao dẫn đến năng suất lao động thấp khiến hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế bị hạn chế”, bà Hương đánh giá.

Sẽ đề xuất nhiều chính sách đặc biệt?

Trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân khó khăn mọi mặt, Bộ KH&ĐT phối hợp với bộ ngành nghiên cứu, xây dựng giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, DN và đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, năm 2021, tình hình dịch COVID-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, và còn kéo dài thêm một số năm sau đó. Các giải pháp trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế cần phải có được nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong năm 2021. Vì vậy, công tác theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, lúc đó mới đề ra được giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các điều kiện về mặt nguồn lực, cũng như cách thức triển khai các giải pháp mà chúng ta đề ra.

“Trên cơ sở nắm bắt về những tác động của COVID-19 và khó khăn của nền kinh tế, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất với các thông tin có tính khả thi cao”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Trước đó, vào tháng 10/2020, trong dự thảo chính sách kích thích kinh tế lần thứ 2, Bộ KH&ĐT đưa ra nhiều chính sách như:  Đề xuất để DN lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm. Đề xuất cho lao động được tạm dừng đóng phí công đoàn tối đa 12 tháng (tương tự chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất). Đề xuất giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021. Chính sách này góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực về dòng tiền cho các DN hàng không đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Đánh giá về những đề xuất dự kiến sẽ dành cho gói hỗ trợ nền kinh tế lần thứ 2, TS Vũ Sỹ Cường, Giảng viên Học viện Tài chính nhấn mạnh, điều quan trọng là Quốc hội, Chính phủ phải đánh giá những ngành nào phải hỗ trợ trực tiếp và ngành nào phải hỗ trợ gián tiếp, không phải ngành nào cũng ưu tiên.

“Những ngành kinh tế cốt lõi, có tính lan tỏa lớn, ảnh hưởng lớn, nếu để bị phá sản sẽ kéo theo nhiều DN khác cũng phá sản thì phải được cứu trước. Trong những bối cảnh đặc biệt thì cần phải có chính sách đặc biệt và chính sách này cần sớm được ban hành”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, hiện nay, DN còn nhiều khó khăn, chưa thể hồi phục. Vì vậy, việc Chính phủ có chủ trương đưa ra gói cứu trợ lần 2 rất cần thiết. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ, kích thích nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển phải nghiên cứu kỹ, tránh những điều kiện khắt khe, phi thực tế trong các gói hỗ trợ lần 1 khiến DN không thể tiếp cận được. Các bộ, ngành cũng cần tham khảo, lắng nghe ý kiến từ các hiệp hội, DN để đưa ra những giải pháp phù hợp thực tế và có hiệu quả hơn. Trong đó, một số lĩnh vực cần xem xét cụ thể do thiệt hại nặng nề như ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng.

Tại báo cáo Đánh giá tác động kinh tế của Đại dịch COVID-19 và các gói kích thích kinh tế của Chính phủ đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2020,  Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, việc thiết kế các gói chính sách hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp trong thời gian tới cần được đặt trong bối cảnh mới như chiến tranh thương mại, thực hiện các hiệp định thương mại tự do mới. Từ đó, có chiến lược, chiến thuật cụ thể và theo lộ trình, kịch bản cụ thể, tính đến đầy đủ các phương án tiếp tục hỗ trợ, tăng cường hay “rút lui” thích hợp.

Tập trung giải cứu DN triển vọng tăng trưởng cao  
Theo TS Lê Xuân Sang, Viện Kinh tế Việt Nam, gói kích thích kinh tế không phải là thuốc thần và không thể cứu hết DN gặp khó khăn. Chính vì vậy, chỉ có thể cứu được một số DN theo các tiêu chí hợp lý về mặt kinh tế và thực tiễn tối đa, bảo đảm minh bạch, công bằng cao. Cách thức, dung lượng hỗ trợ DN lớn trong nước tùy thuộc vào mức độ sở hữu nhà nước, chức năng hoạt động công ích, mức độ trầm trọng, khó khăn trong kinh doanh. Sự hỗ trợ cũng cần dựa trên tiềm lực và mức độ ảnh hưởng kinh tế, nhất là người lao động của từng DN.

Lối thoát cho doanh nghiệp năm 2021? ảnh 1 TS Lê Xuân Sang - Viện Kinh tế Việt Nam


Mục tiêu của các gói kích thích không nên và không thế cứu các DN yếu kém để tạo ra gánh nợ cho nền kinh tế. Chỉ nên tập trung giải cứu, hỗ trợ các DN có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn, mức độ ngành hàng thuộc diện giải cứu phải tính đến mức độ hưởng lợi, thiệt hại của ngành từ đại dịch COVID-19.Ngọc Linh

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.