Nhà văn Tô Nhuận Vỹ thường có lối nói ngược nhất. Ông cho rằng, lúc này cần chỉ cho được đâu là điểm yếu của du lịch Huế để mà khắc phục. Vì chắc chắn, các điểm yếu, các nhược điểm ấy đã tạo ra tình trạng khách “giảm dần đều”, khách không quay trở lại…
Trên tinh thần này, tại hội thảo về điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Huế, do cơ quan hợp tác quốc tế KOICA - Hàn Quốc và UBND TP Huế tổ chức mới đây, bên cạnh các ý kiến đánh giá về tiềm năng, lợi thế, nhiều người quan ngại đến những điểm thất thế sau đây của Huế.
TP Huế là đô thị loại một nhưng lại trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong khi đó có một số thành phố vốn là đô thị loại hai nhưng nhờ trực thuộc trung ương nên đã bứt phá, phát triển nhanh hơn, chỉ một thời gian ngắn đã hội đủ các tiêu chí để trở thành đô thị loại một.
Huế hay gặp thiên tai, đặc biệt là bị ngập lụt hàng năm. Cơ sở hạ tầng giao thông, thoát nước còn yếu và thiếu. Bài toán bảo tồn và phát triển vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, nhiều khi không tìm được bài giải trọn vẹn.
Tham luận về định hướng phát triển công nghiệp và FDI đối với Huế, ông Yoo Key Eun, chuyên gia về kiểm toán, chỉ ra ba điểm yếu cần lưu ý là: Vốn phát triển đang phụ thuộc nhiều vào ODA; Khu công nghiệp mơ hồ và chiến lược phát triển không rõ ràng; So với các khu vực khác thiếu sự khuyến khích nổi trội.
Diễn giả nói thẳng nói thật, để có những giải pháp khắc phục luôn thu hút người nghe. Gần đây, ngành du lịch đã nhận ra thời tiết của Huế không thuận lợi cho hoạt động du lịch.
Cụ thể là mưa quá nhiều. Mỗi năm gần 200 ngày có mưa. Mùa mưa bắt đầu từ khoảng tháng 9 cho đến tháng 4 dương lịch. Mùa mưa ế khách, người làm du lịch và người đi du lịch đều ngán mưa. Đó cũng là một lý do khiến du lịch Huế phát triển kém hơn một số trung tâm khác ở trong nuớc.
Vì thế, không nên chỉ có say sưa ca ngợi tiềm năng thế mạnh của mình, mà còn phải nhận biết hết những mặt hạn chế, những điều bất lợi để phòng ngừa, khắc phục.
Và đã có một dự án Làng Mưa ở Lương Quán. Một làng trù phú bên bờ nam sông Hương ngó qua hướng chùa Thiên Mụ.
Làng Mưa được thiết kế những phương án tránh lũ, những phương án đi lại trong mùa mưa, có sự liên kết với các dịch vụ ở trung tâm thành phố và các tour, tuyến gần đó.
Hiểu được mưa như là một thuộc tính của Huế nên những người lập dự án đã tận dụng thời tiết mưa kéo dài để xây dựng thành một sản phẩm du lịch có nét đặc thù riêng, quyến rũ du khách ăn ở với mưa, chung sống với mưa Huế trong những ngày trái gió, trở trời, để mưa Huế không còn là tác nhân gây cản trở sự phát triển.
Tôi thích những người mạnh dạn nói thật, mạnh dạn chỉ ra những điểm yếu của Huế để tìm giải pháp khắc phục, hơn là người mê muội với “phép thắng lợi tinh thần”, dễ bị ru ngủ, lơ là, chủ quan, duy ý chí trong làm ăn dẫn đến hiệu quả không được như mong muốn, thậm chí thất bại.