Nhiều người tặc lưỡi, “kinh tế thị trường mà, tự làm tự chịu, đâu có gì lạ!”. Thậm chí có luồng ý kiến cho rằng, đã đến lúc không thể cứ đến hẹn lại lên cả xã hội lại nhao vào “giải cứu” nông sản mãi được. Nông dân thời nay nếu không có đầu óc tính toán, phân tích thị trường, cứ đua nhau trồng, đua nhau mở rộng diện tích dẫn đến khủng hoảng thừa, cung vượt quá cầu là tất yếu. Thị trường sẽ điều tiết, quy luật nghiệt ngã của nó sẽ “dạy” nông dân những bài học cần phải học.
Trả lời trên báo Tiền Phong số ra hôm nay, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Ai cũng mong muốn, ủng hộ nông dân phải giàu lên, nhưng chúng ta không nên ủng hộ kiểu suốt ngày bảo cây này dư thừa là do trách nhiệm của cấp nọ, chính quyền kia. Ở đây, thiệt hại trước hết chính là người nông dân. Nông dân phải chuyển mình thực sự và trong lúc này, nếu xảy ra những chuyện rủi ro, đau thương, đó cũng là bài học để họ tự nhận thức, rút ra để thay đổi tư duy về sản xuất”.
Việt Nam có 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp khoảng 20% GDP. Trong khi đó, nước Đức có khoảng 80 triệu dân nhưng chỉ có vẻn vẹn 380 ngàn nông dân, chiếm chưa đầy 0,5% dân số, song lại làm ra một khối lượng hàng hóa trị giá tới 50 tỷ euro. So sánh như vậy để thấy hiệu suất làm nông nghiệp của chúng ta còn rất thấp. Và một trong những nguyên nhân cốt tử chính là điệp khúc “được mùa, mất giá” đã tồn tại dai dẳng bao năm qua.
Không lẽ để người nông dân, không chỗ này thì chỗ khác, không quả này thì quả khác, năm nào cũng khóc? Liệu lỗi có hoàn toàn thuộc về họ? Với câu trả lời của ông Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn ở trên, có thể hiểu: Nông dân tự làm thì tự chịu, báo chí và dư luận đừng truy trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương liên quan nữa! Vậy xin hỏi ông Sơn, nếu báo chí, nếu các đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân - những người đại diện cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân trên đất nước này không chất vấn các bộ ngành, địa phương liên quan, thì chất vấn ai đây? Không lẽ cứ để người dân, hết năm này đến năm khác, vẫn phải khóc ròng trên chính thửa ruộng mà họ đã đổ mồ hôi, công sức và tiền của? Vai trò của Hội nông dân, của chính quyền địa phương, của bộ ngành ở đâu? Dân không biết, không lẽ chúng ta thúc thủ để dân “chịu trận” sao?
Nhìn ra nước ngoài, thấy Bộ trưởng nông nghiệp EU từng phải họp khẩn chỉ vì nông dân nuôi bò của họ không bán được sữa. Theo thông lệ, thường thì một khi nông dân gặp vấn đề trong sản xuất hay tiêu thụ nông sản, cơ quan phụ trách nông nghiệp sẽ là địa chỉ đầu tiên báo chí và các đại biểu của dân tìm đến đặt câu hỏi: Các vị sẽ làm gì để năm sau tình trạng này không tái diễn?
Và chúng tôi, một lần nữa vẫn buộc phải đặt câu hỏi tương tự với ông Sơn và các bộ ngành, địa phương liên quan.