Từ nhiều đời nay, rêu đá ở dưới đáy các sông, suối trên thượng nguồn sông Lam được người dân miền núi Nghệ An xem như một loại thực phẩm phục vụ đời sống hằng ngày. Đặc biệt, đối với đồng bào người Thái, rêu đá còn được dùng để chế biến ra nhiều món ăn truyền thống, ngon và đặc sắc trong dịp lễ, Tết. |
Rêu xuất hiện trên các lưu vực sông suối vào cuối mùa thu đến tháng 2 năm sau. Trong ảnh, người dân dầm mình dưới suối để hái rêu về chế biến món ăn ngày Tết. |
Chị Lô Thị Lang (trú bản Tùng Hương, xã Tam Quang) chia sẻ: “Muốn lấy được nhiều rêu non, ngon và ít cát sạn thì phải ra những vùng nước sâu, dòng chảy xiết. Chỉ có ở đó rêu mới sạch và ngon”. |
Là một món ngon nhưng để chế biến được rêu đá cũng khá mất công. Rêu hái về phải giũa sạch đất cát, sau đó đem vào cối giã cho mềm. Giã xong thì đem ra suối đãi một lần nữa cho thật sạch. Trước khi đem nấu rêu được băm trộn với các lại gia vị. Tất nhiên không thể thiếu hạt mắc khén (hạt tiêu rừng). |
Công đoạn rửa rêu thường mất nhiều thời gian vì đất cát thường bám vào rêu rất chắc, phải rửa qua nhiều lần mới sạch và đem giã. |
Người đồng bào Thái sống dọc các lưu vực sông Lam (ở các huyện Con Cuông, Tương Dương) hay sông Nậm Mộ, Nậm Nơn (chảy qua Tương Dương, Kỳ Sơn) cũng rất ưa thích các món ăn chế biến từ rêu đá. |
Rêu đá xuất hiện trong những bữa ăn thường ngày của người dân vùng cao Nghệ An. Thời gian gần đây, rêu còn được bán như một thứ đặc sản tại các chợ. 1kg rêu tươi đã làm sạch cát sạn có giá bán khoảng 15.000 – 20.000 đồng. |
“Mọc” là món ngon và phổ biến nhất được chế biến từ rêu đá. Sau khi đã sơ chế, rêu được trộn với gạo giã nhuyễn, thịt gà, hành, gia vị và gói bằng lá dong rồi đem hấp chín. Thời gian để hấp chín một nồi “mọc” rêu thường kéo dài hơn một giờ đồng hồ. |
Món rêu đá trông khá giản dị, nhưng là món ngon, lạ miệng, giúp cho bữa ăn ngày Tết thêm đầy đủ phong vị. |