Lời ru buồn vời vợi đại ngàn, kỳ 1: Tảo hôn thời mạng xã hội

Thầy Lương (áo trắng, giữa) vận động học sinh đi học
Thầy Lương (áo trắng, giữa) vận động học sinh đi học
TP - Phía sau những cánh rừng xanh thẳm, ruộng lúa thẳng cánh cò bay. Vẫn còn đó vời vợi những lời ru buồn...

Lẩn khuất dưới dãy núi non trùng điệp, các cô bé, cậu bé ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, đột ngột nghỉ học lấy chồng, cưới vợ, để rồi hủ tục trói buộc họ cùng đói nghèo, lạc hậu.

Đến tuổi thì phải lấy chồng

Xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) nằm sâu trong những khu rừng. Giữa cái nóng hầm hập phả vào mặt, chúng tôi tạt vào quán nước ven đường hỏi thăm, chị chủ quán tiếp chuyện: Nhiều ngày nay, thầy cô giáo ở đây đến gia đình những học sinh nghỉ học vận động các em quay lại trường nhưng xem chừng khó. Phong tục của đồng bào ở đây khi con cái 13 -14 tuổi phải dựng vợ gả chồng. Các thôn đồng bào người Mông của xã, hầu hết gia đình nào cũng 5 -6 người con trở lên. Có người mới ngoài 30 tuổi đã lên chức ông, chức bà.

Trên đỉnh đồi, tiếng thầy cô giảng bài vọng ra từ lớp học phá tan không gian yên ắng của núi rừng. Xế trưa, thầy giáo Lê Văn Lương chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Quảng Hòa tiếp tục công cuộc vận động học sinh, thầy tâm sự: Phải tranh thủ giờ trưa đến nhà, buổi chiều các em lên rẫy không gặp được. Sau thời gian nghỉ dịch, trở lại trường biết được thông tin học sinh trong lớp đã kết hôn, nhiều thầy cô rất bất ngờ vì đây là lần đầu tiên trường có số học sinh nghỉ học kết hôn nhiều vậy. Lớp thầy chủ nhiệm có 5 em lập gia đình, trong đó 2 học sinh nữ lấy chồng ở huyện khác.

Lời ru buồn vời vợi đại ngàn, kỳ 1: Tảo hôn thời mạng xã hội ảnh 1 Vợ chồng Hoàng Văn Ngày
Rời căn nhà lụp xụp tận sâu lõi rừng của cô học trò Giàng Thị Bê nhưng không gặp được ai, thầy Lương buồn bã lái xe máy về. Bê nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ làm xa, sau Tết em lấy chồng luôn. “2 tháng nữa là kết thúc năm học, các em sẽ cầm tấm bằng THCS trong tay, tương lai sẽ đỡ mù mịt hơn…” thầy Lương chia sẻ.

Chúng tôi gặp đôi vợ chồng trẻ đang lùa bò đến nhấm nháp vài gốc rơm rạ những bụi cỏ khô ven đường. Đó là Vàng Thị Day lập gia đình cách đây 2 tháng khi em mới 16 tuổi còn chồng bước sang tuổi 17. Đưa ánh mắt ái ngại nhìn chúng tôi, Day bảo: Cô lại hỏi việc em lấy chồng à. Đến tuổi, thích thì lấy, có gì lạ đâu mà mọi người hỏi lắm thế.

Sau một hồi trò chuyện, Day cởi mở hơn, khuôn mặt không còn khó đăm đăm, như vừa mới gặp. Câu chuyện của em lẫn vào cái nóng hừng hực trong ngôi nhà được dựng bằng ván và tôn. Day kể: Nhà đông anh em, cuộc sống gia đình khó khăn. 2 bên bố mẹ quen nhau từ ngoài quê, vào đây lập nghiệp thường qua lại nên em và anh chồng em có tình cảm được 2 năm nay. Gia đình đều biết. Đằng nào cũng phải lấy chồng nên thời gian nghỉ dài em lấy luôn. 

Chuyện cưới hỏi diễn ra chóng vánh bằng một cái lễ nhà trai đưa đến, không đăng ký kết hôn, không đám cưới. Day đang lưỡng lự chuyện quay lại lớp. 

Giữa cái nắng gay gắt, sau những tiết dạy trên lớp, thầy cô lại mướt mồ hôi đi vận động học trò đến lớp. Bằng tâm huyết, tình thương, những giáo viên chủ nhiệm không thể để học sinh bỏ học giữa chừng. Cố gắng là vậy nhưng kết quả không như mong đợi. Nhiều trường hợp đi học bữa đực bữa cái vì lo phụ kinh tế gia đình. Có em đang học yêu đương nên nghỉ học lấy chồng.

Tảo hôn thời mạng xã hội

Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà Hoàng Văn Ngày (SN 2001, trường THCS Quảng Hòa) vừa lấy vợ được hơn 2 tháng. Anh Tu, Bí thư chi đoàn thôn 6 chia sẻ: “Năm nào địa phương cũng tổ chức tuyên truyền nhưng nhận thức bà con còn thấp nên nạn tảo hôn vẫn chưa chấm dứt được. Bây giờ mạng xã hội hiện đại, điện thoại di động cầm tay…cũng ít nhiều làm bà mối nối dây tơ hồng cho những cặp vợ chồng tuổi mới lớn. Con gái, con trai thích, yêu nhau đòi bố mẹ cưới ngay thôi.

Sau khi anh Tu trao đổi với anh Hoàng Văn Thà (bố của Ngày) bằng tiếng Mông, khuôn mặt anh Thà dãn ra, anh cho biết: Vốn không biết chữ nên anh cố gắng làm lụng để cho 6 đứa con được đi học. Gia đình có 1,5 ha trồng sắn, mượn thêm 1 ha trồng lúa, thỉnh thoảng anh đi buôn bò. Nói về chuyện của Ngày, anh bảo: “Tôi có biết gì đâu, đi buôn bò vài ngày về nhà thấy cô bé lạ hoắc ở trong nhà rồi. Ngày nó bảo: Con phải lấy nó làm vợ. Đã đưa về nhà thì phải cưới thôi. Tôi phải bán sắn chuẩn bị đủ 16,5 triệu qua đặt lễ cho nhà gái. Hai bên gia đình thống nhất cho chúng lấy nhau”.

Tiếp chuyện, Ngày ngại ngùng: Tình cờ lướt Facebook rồi thấy, nhắn tin qua lại, hẹn gặp nhau. Quen được 1 năm thì em đưa về nhà ở, báo cho bố mẹ hai bên biết. Phá tan cái mặc cảm ban đầu, Ngày tâm sự: Em năm nay 19 tuổi, do đi học muộn nên giờ mới học lớp 9. Nói thật, bằng tuổi em nhiều người 3 - 4 đứa con rồi. Được học chữ, Ngày hiểu rằng tảo hôn là hủ tục khiến cuộc sống vợ chồng, đặc biệt là phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Ngày cho biết: “Em mồ côi mẹ từ nhỏ, nghe bố kể lại khi em mới biết bò là mẹ mất. Hồi bố mẹ lấy nhau cũng còn ít tuổi. Bố vất vả lo cho em ăn học. Giờ lấy vợ rồi nhưng em sẽ cố gắng học thật tốt, trước mắt phải lấy được bằng tốt nghiệp trung học. Tranh thủ ngày nghỉ em đi cắt cỏ cho bò, phụ giúp bố làm nương rẫy”.

Ngồi cạnh chồng, Sùng Thị Pan (SN 2003) thẹn thùng, di di đôi bàn chân xuống nền nhà bẽn lẽn. Gia đình Pan ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, không có rẫy, em phải nghỉ học theo mẹ đi làm thuê. Nói chuyện qua mạng mấy lần với anh Ngày thấy vui, anh ấy rủ về nhà chơi rồi nhốt theo phong tục. Vài ngày sau, gia đình chồng mang lễ qua hỏi, từ đó chúng em là vợ chồng.

Theo thầy Đỗ Ngọc Khanh, Hiệu trưởng trường THCS Quảng Hòa, hiện có khoảng 7 học sinh của trường đã lập gia đình. Thời gian các em nghỉ học trùng với thời điểm lễ hội mùa xuân của đồng bào các dân tộc phía Bắc. Chỉ cần vài hôm gặp gỡ là các em về ở cùng nhau. Việc này không thông qua chính quyền địa phương, cũng không thông báo với trường nên khi học sinh đi học trở lại nhà trường mới biết. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.