Lợi nhuận không là tất cả

Be đồng hành với các chương trình an toàn giao thông
Be đồng hành với các chương trình an toàn giao thông
Trong câu chuyện nội lực Việt và nền kinh tế số, người sáng lập, kiêm Tổng Giám đốc (CEO) Be Group Trần Thanh Hải chia sẻ: “Tôi khởi sự cùng Be bởi lòng tự ái của một người Việt và tin rằng Be sẽ có chỗ đứng xứng đáng tại thị trường trong nước lẫn quốc tế”.

Thị trường ứng dụng gọi xe của Việt Nam hiện có sự xuất hiện của hàng chục tên tuổi lớn nhỏ. Tuy nhiên, có thế đứng thực sự trên thị trường này, “be” là ứng dụng thuần Việt tự thấy đủ sức cạnh tranh.

Luôn có dư địa cho mình

Trước khi khởi sự cùng Be Group, ông đã có cả một sự nghiệp tương đối thành công, vì sao ông lại chọn khởi nghiệp lần nữa với Be, khi thị trường đã định hình với các tên tuổi nước ngoài?

Ngoài công nghệ, tôi đã thử nhiều lĩnh vực, nhưng có duyên và làm tốt nhất là công nghệ. Người Việt mình đi đâu cũng tự hào thông minh và làm được nhiều thứ. Nhưng nhìn lại thị trường công nghệ, thực tế không có doanh nghiệp (DN) Việt nào đang thắng, các tập đoàn công nghệ cũng chủ yếu gia công theo đặt hàng của nước ngoài.

Khi khởi sự với Be tôi nghĩ, xe của người Việt, tài xế người Việt, đường sá Việt, người tiêu dùng Việt… tại sao không có ứng dụng Việt nào thực sự thành công, dù trước tôi đã có nhiều DN Việt tham gia vào lĩnh vực này…

Là người đi sau, ông rút ra điều gì từ những ứng dụng đi trước?

Ban đầu nghĩ đơn giản, mình làm vì đây là thế mạnh bản thân, vì tự tôn dân tộc. Khi nghiên cứu mô hình đi trước như Uber, Grab, Go-Jek… đã vỡ ra nhiều điều. Tôi thích mô hình Go-Jek của Indonesia. Khác các ứng dụng còn lại, Go-Jek bảo vệ quyền lợi tài xế và cả những người tham gia trong chuỗi giá trị Go-Jek tốt hơn. Họ xác định là công ty Indonesia, sống chết ở đó, nên luôn chấp hành nghĩa vụ với quốc gia mình, không trốn tránh.

Trong khi ở ta, tôi thấy thị trường có nhiều vấn đề, khi nhiều công ty đội lốt dưới mô hình công ty công nghệ tham gia vào nền kinh tế chia sẻ. Thật sự mô hình này bắt nguồn từ Mỹ và châu Âu, nhưng rõ ràng các nước này đã có nền tài sản hình thành từ trước khi ra mô hình kinh doanh giữa người với người – C2C, nên nó rất hợp lý.

Trong khi tại Việt Nam hay Ðông Nam Á, bản chất thị trường này không hề tồn tại, để tham gia dịch vụ, tài xế phải bỏ tiền mua xe để hành nghề. Theo đó, với mô hình này thì 100% là kinh doanh.

Khi ông quyết định bước vào thị trường gọi xe tại Việt Nam, ông có thấy chật chội?

Năm 2018, khi chúng tôi tham gia thị trường đã khảo sát rất kỹ. Thời điểm đó, thị trường trị giá khoảng 400 triệu USD/năm cho gọi xe 2 bánh và taxi. Năm 2019, đã tăng lên khoảng 500 triệu USD, và còn tăng trong vài năm tới.

Sự phát triển đó đến từ tốc độ đô thị hoá nhanh chóng của Hà Nội và TPHCM khi có tới 93% doanh số mảng gọi xe đang đến từ 2 thành phố này. Như vậy, dư địa phát triển tại các đô thị khác trên cả nước còn rất lớn, là cơ hội cho bất kể ai muốn tham gia cuộc chơi.

Lợi nhuận không là tất cả ảnh 1 Tổng Giám đốc BE GROUP Trần Thanh Hải cũng đồng thời là đồng sáng lập và nguyên Giám đốc công nghệ của VNG; Đồng sáng lập và nguyên Tổng Giám đốc Fim+; Đồng sáng lập và nguyên Tổng Giám đốc Vina Data; Chủ tịch HĐQT chudu24.com…

Vì lợi nhuận, nhưng không phải tất cả

Đã là DN, phải vì doanh thu và lợi nhuận. Nếu ông lựa chọn là DN công nghệ sẽ không tốn chi phí phúc lợi cho người lao động, lợi nhuận thu về sẽ cao hơn, còn Be thực hiện cả nghĩa vụ bảo hiểm xã hội với tài xế, chi phí lao động cao, lợi nhuận sẽ không bằng đối thủ, ông có cân đo, đong đếm điều đó?

Ngay từ lúc khởi sự, Be đã xác định con đường đi là đứng về phía các tài xế. Không phải chúng tôi không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, nhưng chúng tôi quan tâm tới sự phát triển bền vững hơn. Khi các doanh nghiệp FDI đến, nếu cảm thấy kinh doanh có lợi nhuận cao, họ bỏ tiền đầu tư, sau đó khai thác tận thu. Ðến lúc cảm thấy không kiếm được thêm nữa, họ sẽ quay về nước rất nhẹ nhàng, thử nhìn lại cách Uber rút khỏi thị trường thì biết.

Chúng tôi là DN Việt, phải sống ở đây, đối mặt với người tiêu dùng và người lao động của mình hàng ngày nên không thể làm thế. Không hẳn chúng tôi thích đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu, chỉ là chúng tôi muốn phát triển bền vững, vì đây là nước mình. Chúng tôi xem chính sách của mình dành cho tài xế như đóng bảo hiểm xã hội, là một khoản đầu tư lâu dài vào nhân lực.

Ông có thể chia sẻ chút về kinh nghiệm quản trị nhân sự của mình?

Thỉnh thoảng, tôi có viết thư chia sẻ 21 điều tâm đắc của mình với nhân viên. Những điều này không phải của tôi mà của nhiều người, tôi đọc nên muốn chia sẻ lại. Trong đó, điều tôi tâm đắc nhất là “ngừng đổ lỗi cho người khác, hãy tự chịu trách nhiệm việc mình làm”. 

Trong công việc, chúng tôi có khẩu hiệu “không viện cớ – no excuse”. Tức, khi giao việc, nếu không hoàn thành là không hoàn thành, không trình bày lý do. Còn nếu nhân viên giải thích do ông này, bà kia mà mình thất bại, nghĩa là anh đã không quản trị được các mối quan hệ.

Khi nhận việc phải cân nhắc rủi ro, vì tính được rủi ro cũng là một năng lực cần có. Văn hoá Việt khiến nhiều người sợ thất bại, nhưng con người nên vài lần thất bại. Chúng tôi luôn tôn trọng những lần thất bại, thất bại một lần không sao, chỉ đừng lặp lại một lỗi hai lần.

Xin cảm ông!

Văn hoá Việt khiến nhiều người sợ thất bại, nhưng con người nên vài lần thất bại. Chúng tôi luôn tôn trọng những lần thất bại, thất bại một lần không sao, chỉ đừng lặp lại một lỗi hai lần.

MỚI - NÓNG