Lời người vọng mãi

TP - Từng lời của Đại tướng in sâu vào tâm trí tôi bởi sức hút của tâm, trí, dũng mà Đại tướng truyền tải. Tôi lần giở cuốn băng ghi âm “Cuộc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp” được lưu giữ cẩn thận trong ngăn tủ tư liệu. Âm vang giọng trầm ấm của Đại tướng một lần nữa khiến tôi rơi lệ. Tôi đã thức trắng đêm tưởng nhớ người, nước mắt không ngừng rơi.

> Báo Mỹ ví tướng Giáp như 'một võ sĩ quyền anh'
> Pháp ca ngợi Tướng Giáp là ‘nhà chiến lược lỗi lạc’

Từ chuyện của tác giả bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác”

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, báo Tiền Phong tìm gặp nhân vật, chủ nhân bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác gây chấn động dư luận cách đây gần 30 năm, thời kỳ đất nước bước vào Đổi mới đầy gian khó.

Tháng 3/1986, với lời thơ đanh thép, nhìn thẳng, nói thẳng sự thật, những tồn tại bất công trong xã hội, suy thoái đạo đức trong đội ngũ cán bộ khiến không ít lãnh đạo cấp cao trong đó có một số bí thư tỉnh ủy, ủy viên BCH T.Ư Đảng nổi giận. Bản thân nữ sinh Xuân Khải chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình học tập, công tác.

Trong những ngày đó, Xuân Khải phải đối mặt với nhiều dị nghị, nghi ngờ khi cô là nữ sinh năm thứ 2 khoa Văn (ĐH Tổng hợp Hà Nội). Có không ít lãnh đạo lên tiếng ủng hộ, trở thành bệ đỡ tinh thần vững chãi, giúp nhà thơ vượt giông tố để đứng vững trong cuộc đời.

 “Bác mong cháu và những người làm báo tiếp tục viết với tinh thần dũng cảm. Nếu có khó khăn thì cũng phải quyết tâm làm cho kỳ được”. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia quyến của ông đã luôn ở bên Xuân Khải trong thời khắc khó khăn nhất. Ngay trong lần gặp đầu tiên hay những bữa cơm chung của Xuân Khải với gia đình Đại tướng, người luôn động viên: “Dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy cháu cũng cần học cho tốt nhé. Khó khăn thì nhờ thầy bạn giúp đỡ, nói với các bác giúp đỡ, giữ sức khỏe, giữ tinh thần tốt. Không nên lo lắng quá và nhất định không được bỏ học giữa chừng, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” cháu ạ”.

Ngày 18/3/2006, tròn 20 năm báo Tiền Phong đăng bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác” của nữ sinh khoa Văn Phạm Thị Xuân Khải, chúng tôi có vinh dự được Đại tướng trò chuyện thân mật tại nhà riêng của người.

Sau khi đăng tải loạt phóng sự, ghi chép “Bài thơ gây chấn động dư luận và đêm trước Đổi mới”, khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp 95 tuổi, thường được con gái, GS-TS Võ Hồng Anh đọc báo Tiền Phong viết về sự kiện này. Đại tướng mong gặp lại cô nữ sinh đặc biệt năm nào.

Đại tướng là nhân vật mà Ban Biên tập báo Tiền Phong mong muốn được thăm và kết nối cuộc gặp sau 20 năm sự kiện bài thơ đăng trên báo. Sẵn mối thâm tình với gia đình Đại tướng, anh Hữu Việt khi đó là Phó Trưởng ban Cuối tuần báo Tiền Phong liên lạc với chị Võ Hồng Anh để lên lịch gặp Đại tướng.

Đến cuộc gặp gỡ ấn tượng và ưu tư

Đại tướng viết tặng sách cho chị Xuân Khải.
 

Khi Ban Biên tập thông báo tôi được cùng vào tiếp chuyện bác, trái tim tôi như loạn nhịp, hồi hộp. Người tôi hằng mong ước được gặp, ngày quan trọng trong cuộc đời đã đến. Chúng tôi may mắn được Đại tướng tiếp chuyện tại nhà riêng ở số 30 đường Hoàng Diệu (Hà Nội).

Ngoài chị Xuân Khải, Trưởng đoàn báo Tiền Phong có anh Lê Xuân Sơn, lúc đó là Phó Tổng Biên tập; anh Hữu Việt, phóng viên ảnh Hồng Vĩnh và tôi. Thời tiết se lạnh, lất phất mưa đầu Xuân, chúng tôi tới nhà Đại tướng sớm hơn 10 phút và chờ Đại tướng bên hiên nhà. Con gái cả của Đại tướng với người vợ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái Nguyễn Thị Minh Khai), GS.TS Võ Hồng Anh tiếp chuyện chúng tôi.

Đúng giờ, Đại tướng cùng phu nhân Đặng Bích Hà bước ra phòng khách thân mật bắt tay từng người. Đại tướng giản dị áo sơ mi trắng, bộ vest xám đen. Mở đầu câu chuyện, Đại tướng ân cần hỏi thăm từng người khiến ai cũng cảm động. Chúng tôi thực sự mừng khi thấy ở tuổi 95, Đại tướng vẫn rất minh mẫn.

Chị Xuân Khải nắm tay Đại tướng: “Cháu rất vui khi thấy bác khỏe. So với tuổi của bác, điều đó thật lý tưởng”. Nghe chị Xuân Khải nói vậy, Đại tướng cười hóm hỉnh đáp: “Tôi không có hơn chị mấy tuổi đâu?” khiến chúng tôi có chút bỡ ngỡ. Bà Bích Hà giải thích: “Cháu đừng có trả lời mấy tuổi. Ông ấy biết rõ ai tuổi nào. Ông ấy nói vui đấy”.

Anh Lê Xuân Sơn hỏi thăm Đại tướng có thường xuyên đọc báo, theo dõi tình hình đất nước không, Đại tướng đáp: “Có, có chứ cháu”. Bà Bích Hà cho biết, ngày nào Đại tướng cũng đọc hoặc nghe chị Hồng Anh đọc cho nghe 3 - 4 tờ báo lớn. Cụ đặc biệt lưu tâm đến loạt bài “Bài thơ gây chấn động dư luận và đêm trước Đổi mới” báo Tiền Phong đăng tải về số phận cô nữ sinh ngày nào mà ông hằng yêu quý như con cháu trong nhà. Đại tướng rất mong gặp lại cô gái dũng cảm và tờ báo dũng cảm ngày ấy.

Lát rồi, chuyện được thảo luận sôi nổi dưới sự dẫn dắt của Đại tướng và phu nhân lúc này là thế sự và thời sự. Đại tướng hỏi thăm chị Xuân Khải và chúng tôi về việc viết lách. Ông khuyên: “Các cháu phải thường xuyên viết và phải viết hay nữa nhé. Còn tình hình bây giờ đã thay đổi trong nước cũng như ngoài nước cho nên muốn viết cho hay thì phải đi sát thực tiễn theo đường lối của Bác Hồ và phải suy ngẫm về nhiều mặt”.

Trầm ngâm một lát, Đại tướng lại quay sang hỏi chúng tôi về tình hình Việt Nam bây giờ thế nào? Lát sau ông nói: “Các cháu phải nhớ nhìn lại tình hình từ lúc Đổi mới. Phải biết được rằng trước đó là thời kỳ của tư tưởng bảo thủ, tả khuynh, thời kỳ “ngăn sông cấm chợ. Tư tưởng đổi mới ra đời thực sự khó khăn. Đấu tranh cho cái mới ra đời luôn gian nan. Trong câu chuyện, Đại tướng và phu nhân đánh giá cao vai trò của cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong quá trình hình thành tư tưởng đổi mới.

Đổi mới đã diễn ra nhưng khó khăn vẫn còn nhiều, đó là câu chuyện mà chị Xuân Khải kể với Đại tướng về con trai mình: “Năm 2002, con trai cháu ra ứng cử Quốc hội. Một vài vị quyền chức biết chuyện nói: “Đừng có bỏ phiếu cho cái cậu này - con của phản động đấy!”. Sau đó con cháu không trúng cử nhưng những phiếu bầu cho cháu đều là của lương dân”.

Đại tướng nói: “Đổi mới của ta thành công rất lớn, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nhà thơ, nhà văn. Nhưng tôi mong có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Cả thế giới công nhận Việt Nam là đất nước anh hùng và người ta tôn trọng điều đó. Nhưng trong tình hình thế giới hiện nay thì phải thấy thu nhập bình quân đầu người Việt Nam so với Thái Lan, Singapore… thế nào? Nhìn vào tổng thu nhập quốc dân mới thấy chúng ta tụt hậu so với các nước và điều đó làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước”.

Đại tướng rất ưu tư khi nói đến hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ đảng viên. “Nhiều đêm tôi thức dậy, cứ trăn trở mãi. Tại sao trong một Đảng như Đảng ta lại có thể có những người như thế?...” - Đại tướng nói: “Tôi thấy chất lượng đảng viên hiện nay chưa đạt yêu cầu.

Việc báo chí nêu lại tấm gương như liệt sĩ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm là rất tốt, nhắc nhở nhiều đảng viên và có tác dụng giáo dục lớp trẻ. Một thời gian đổi mới thì mọi mặt lên.

Nhưng sau đó vài năm lại mắc phải tư tưởng tả khuynh, chủ quan vì thế bị tụt hậu. Đánh giá cho đúng bây giờ đang là lúc bị “chững lại”. Có thể nói, trong các nguy cơ mà dự thảo Văn kiện ĐH X đưa ra lần này phải chú trọng đến “chống tụt hậu” và “công tác cán bộ” vì nhiều người tốt bị vô hiệu hóa”.

“Khi đọc bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác, tôi còn nhớ và thấy cháu (Xuân Khải - PV) rất dũng cảm. Cháu phải viết theo tinh thần ấy và làm thế nào cho bạn bè hiểu được rằng: Nước ta không chỉ anh hùng mà còn đang phấn đấu trở thành nước giàu mạnh. Làm sao khi nhắc đến Việt Nam thì trong cụm từ gắn đằng sau “nước đang phát triển” người ta phải bỏ chữ “đang” đi”, Đại tướng nói với chúng tôi.

Chuyện chung, chuyện riêng đan xen vào nhau. Chúng tôi bùi ngùi xúc động. Nhắc lại những sóng gió, thiệt thòi trong cuộc sống mà Xuân Khải phải gánh chịu sau khi xuất bản bài thơ, Đại tướng khuyên chúng tôi: “Trong cuộc sống, có những lúc thiệt thòi, thậm chí bị đối xử bất công, chèn ép nhưng các cháu nếu có rơi vào hoàn cảnh đó hãy vững tâm, bền chí, hãy là chính mình bởi ở đời không biết thế nào là được, thế nào là mất cả”.

Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, vượt nhiều so với thời gian mà chúng tôi mong đợi Đại tướng dành cho. Nhiều câu chuyện sôi nổi, lạc quan với những nụ cười bên cạnh phút trầm ngâm suy tư, sâu lắng. Đại tướng ra hiệu cho con gái Hồng Anh cầm ra cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” do ông viết, xuất bản năm 1997.

Thêm một lần Đại tướng khiến chúng tôi ngỡ ngàng, đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không dùng đến kính lão, chính tay Đại tướng cầm bút viết trong cuốn sách kê trên đùi mình dòng chữ đều đặn, thẳng tắp: “Thân tặng chị Phạm Thị Xuân Khải - Xuân Bính Tuất 2006. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Khi chia tay, Đại tướng lại bắt tay từng người, rồi căn dặn chúng tôi: “Bác mong cháu và những người làm báo tiếp tục viết với tinh thần dũng cảm. Nếu có khó khăn thì cũng phải quyết tâm làm cho kỳ được”.

Bên ngoài căn phòng ấm cúng, trời chiều lại lất phất mưa và chuyển lạnh nhưng không làm phai nhạt màu sắc tươi mới của cây đào vừa nở hoa đợt mới bên hiên nhà vị Đại tướng huyền thoại. Ông ra đi trong tiết thu buồn nhưng lời căn dặn Xuân năm ấy vang vọng mãi trong tôi.

“Khi đọc bài thơ Mùa Xuân nhớ Bác, tôi còn nhớ và thấy cháu (nhà thơ Xuân Khải - PV) rất dũng cảm. Cháu phải viết theo tinh thần ấy và làm thế nào cho bạn bè hiểu được rằng: Nước ta không chỉ anh hùng mà còn đang phấn đấu trở thành nước giàu mạnh. Làm sao khi nhắc đến Việt Nam thì trong cụm từ gắn đằng sau “nước đang phát triển” người ta phải bỏ chữ “đang” đi”, Đại tướng nói với chúng tôi.
Theo Báo giấy