<FONT size=2>Vụ tai nạn tàu E1: </FONT>

Lời kể của những người từ cõi chết trở về

Lời kể của những người từ cõi chết trở về
(TPO) Họ là những người may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Trên nét mặt họ vẫn còn hằn lên nỗi kinh hoàng của giây phút lật tàu E1 khủng khiếp ấy...

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đức Phượng (10C Yên Thái, Hà Nội) ngay sau khi gia đình đưa xác thân nhân từ Đà Nẵng về. Thật không ngờ, chuyến đi hỏi vợ cho con trai trưởng Nguyễn Đức Hải trên chuyến tàu định mệnh ngày 12/3 đã cướp đi của ông 4 người thân.

Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ chật cứng bà con hàng xóm đến chia buồn phúng viếng. Ông Phượng giàn dụa nước mắt trông như già đi hàng chục tuổi.

Vợ ông, bà Lê Thị Phái bị vỡ xương chậu, phải nằm bất di bất dịch trong nhà. Con trai cả ông đang nằm mê man tại BV Đà Nẵng. Chỉ còn mình ông vừa lau những giọt nước mắt đau thương, vừa đáp lễ, cảm ơn hàng xóm láng giềng đến chia buồn, phúng viếng. Nhìn khung cảnh ấy, không ai cầm được nước mắt.

Ông Phượng kể, 15 người gia đình ông ngồi ở toa 6. Khi đó, một số hành khách đang ngủ, số khác đang ăn trưa. Bỗng dưng, tàu nghiêng sang bên trái trước khi đổ về bên phải. Tất cả mọi người và đồ đạc trên toa đều bị xô đẩy, ngã dúi dụi. Nhiều người bị đập đầu vào thành tàu, thành ghế chảy máu loang lổ. Có người đã bị đè chết ngay tại chỗ.

Lời kể của những người từ cõi chết trở về ảnh 1
Công ty Bảo hiểm Hà Nội và bà con lối phố đến chia buồn với gia đình ông Phượng

May mắn chỉ bị xây xát nhẹ, ông Phượng bò lồm cồm qua cửa sổ ra ngoài xem tàu có cháy không. Tàu không cháy. Mọi người ở các toa bắt đầu hớt hải chui qua các ô cửa sổ méo mó, kính vỡ nát vụn. Trông ai cũng hồn bay phách lạc. Họ không thể tin vào điều vừa xảy ra.

Ở “toa tử thần” (toa 6, 7), những xác chết bị biến dạng được những người còn sống và dân địa phương lôi qua các khe hẹp ra ngoài. Tiếng khóc, tiếng gọi tìm nhau í ới. Xen lẫn giữa đám đông đang hỗn loạn, ông Phượng đi lật từng xác chết nhận mặt người thân...

Thím ruột ông - bà Vũ Thị Bé,con trai ông - anh Nguyễn Đức Quân, con dâu tương lai - Nguyễn Thị Hồng Nga (thường gọi là Nguyễn Thị Hồng) và cháu họ Nguyễn Thu Hà tất cả đều bị chết ngay tại chỗ.Trong số 4 người này, anh Quân và chị Hồng bị chết ngay dưới gầm tàu. Xung quanh họ còn nhiều những xác chết nữa...

Sau khi được đưa qua sông, người chết được đắp chiếu, xếp thành hàng dài. Người bị thương máu me be bét nằm, ngồi vật vã than khóc người thân. Những trường hợp nặng nhất được ưu tiên đưa đi cấp cứu.

Cũng may mắn thoát chết trong gang tấc, Nguyễn Tú Oanh (1986, cũng là cháu ông Phượng), nhớ lại: “Tôi đang nằm trên giường tầng 3 ngủ cùng bạn vì say tàu . Bỗng tiếng ầm ầm  ghê rợn vang lên. Giường của tôi bắn qua cửa sổ, văng ra ngoài. May mà tàu không đổ nằm xuống đường. Nếu không thì…”.

Oanh cho biết, lúc đó như một bản năng của tình nhân loại, ai còn sống sót đều không quản nguy hiểm lao ngay vào tìm cách đưa những người bị nạn ra khỏi tàu. Người ta không hề ngại ngần bế trên tay những xác chết không còn nguyên vẹn. Bản thân Oanh khi ấy nhìn thấy bà cụ bị mất một tay trái trên tàu cũng không còn biết sợ là gì lao vào để cứu.

Lời kể của những người từ cõi chết trở về ảnh 2
Nguyễn Tú Oanh: Khi tàu đổ, tôi đã bị bắn qua cửa sổ ra ngoài...

Giờ thì cái giây phút kinh hoàng đó đã qua. Gia đình ông Phượng, bà Phái chẳng biết làm gì khác ngoài việc nén nỗi đau chồng chất nỗi đau để lo hậu sự chu đáo cho những người xấu số.

Vào thời điểm chúng tôi đến, Cty Bảo hiểm Hà Nội đã mang 30 triệu tiền bảo hiểm bồi thường cho nạn nhân Nguyễn Đức Quân. Trước đó, đại diện Tổng Cty ĐSVN tại Đà Nẵng đã hỗ trợ ngay 40 triệu đồng để ông Phượng đưa thi thể người thân ra Hà Nội  bằng đường hàng không.

Nét mặt vô hồn, ông Phượng lẩm bẩm như nói với chính mình: " Vì sao tàu đổ? Vì sao người thân của tôi phải chết ?".

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.