Lợi ích và cạm bẫy song hành trên mạng xã hội

TPO - Hiện mạng xã hội ở Việt Nam đang phát triển mạnh, là một kênh được đông đảo thanh niên tiếp cận; có nhiều thông tin tích cực, bổ ích cho sinh hoạt, đời sống của các bạn trẻ nhưng cũng không ít thông tin xấu, độc.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ năm khóa XI, Thiếu tướng Phạm Văn Giang, Cục phó Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao trình bày chuyên đề “Đấu tranh trên không gian mạng và vai trò của Đoàn thanh niên”.

Theo Thiếu tướng, Việt Nam hiện có 64 triệu người dùng internet, 58 triệu người sử dụng facebook. Các thế lực lợi dụng internet và mạng xã hội để quấy phá, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, đăng tải các thông tin xấu. Hiện có hàng ngàn trang mạng xấu sử dụng máy chủ ở nước ngoài, pha trộn thông tin thật giả để kích động; dùng comment để tạo dư luận trái chiều, kích động chống phá, đưa thông tin bài viết khoét sâu vào những điều xấu làm ảnh hưởng đến tư tưởng, an ninh, trật tự xã hội...

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đoàn cũng cho rằng không gian mạng rất đa dạng và nhiều yếu tố phức tạp, do đó Đoàn, Hội cần tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền nhằm giúp đoàn viên, thanh niên có những kỹ năng sử dụng mạng xã hội, vận dụng những mặt tích cực của mạng xã hội trong đời sống, sinh hoạt và trong hoạt động của mình.

Theo anh Phan Tuấn Anh, Bí thư Đoàn trường Đại học Đà Lạt, nhiều tài khoản facebook “vào hùa” theo đám đông chia sẻ, nhận xét, phê bình trước một thông tin, sự kiện trong khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật; cổ xúy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án như trào lưu “bóc phốt”, “tung clip nhạy cảm”, “đủ like là làm”…

TP.Đà Lạt không ít lần “dậy sóng” bởi các hành vi chụp ảnh nuy, ảnh khoe thân phản cảm… Gây sốc và  khiến dư luận bất bình hơn cả là vụ á hậu Thư Dung cùng cô bạn từng chụp ảnh khoe thân phản cảm tại Tuyệt tình cốc Đà Lạt hoặc một đôi nam nữ chụp ảnh khỏa thân tại di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm.  

“Chúng tôi phát động cuộc vận động mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp để thanh niên có thể tăng cường giới thiệu những yếu tố tích cực trên trang thông tin của mình, lan tỏa những yếu tố tích cực đó trong xã hội. Các bạn trẻ cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ thể hiện quan điểm của mình với những cách hành xử không phù hợp trong xã hội; đấu tranh với cách sử dụng mạng xã hội một cách tiêu cực để giúp cho không gian mạng của Việt Nam ngày càng lành mạnh hơn”, anh Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê của TƯ Đoàn, hiện 61.330/67.591 Đoàn cơ sở trong cả nước có trang facebook với 836.346 tin tốt, câu chuyện đẹp được tuyên truyền. Các trang facebook này góp phần định hướng các bạn trẻ lựa chọn, phân định được những kênh thông tin chính thống hoặc những trang có thể cung cấp thông tin một cách đầy đủ, rõ ràng và chính xác để tiếp cận và hiểu đúng bản chất vấn đề khi tham gia mạng xã hội.

Anh Phong cho hay có những cách mà tổ chức Đoàn đã thực hiện trong thời gian vừa qua đã có những tín hiệu tích cực như vào những ngày lễ kỷ niệm của đất nước, các bạn trẻ đồng loạt treo cờ tổ quốc; lan truyền những hình ảnh đẹp về thanh niên tình nguyện, những việc tốt như giúp đỡ người già, neo đơn có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội; chia sẻ những câu chuyện đẹp, lên án những hành động vô đạo đức, phi văn hóa; giúp nhau để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

MỚI - NÓNG