Lợi, hại độc quyền vàng miếng

Lợi, hại độc quyền vàng miếng
TP - Chính phủ đang nỗ lực để xoá độc quyền thị trường xăng dầu, điện... nhưng lại chủ trương độc quyền với thị trường vàng miếng. Vì sao vậy, độc quyền vàng miếng lợi, hại thế nào?

> Bài 2: Dân thiệt, doanh nghiệp lao đao
> Bài 1: Tù mù giá vàng độc quyền

Lợi ít, hại nhiều

Theo Nghị định 24 về quản lý vàng, nhà nước độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, kể từ ngày 25-11-2012, trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu vàng miếng SJC.

Có thể nói, kể từ cuối năm 2011, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấm các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, đồng thời không nhập khẩu vàng, tỷ giá USD tương đối ổn định.

Đặc biệt, với lệnh cấm đó, theo giới kinh doanh vàng, đã hạn chế tối đa tình trạng nhập lậu vàng nguyên liệu. Bởi có nhập về cũng không chế tác được vàng miếng, trừ phi dân buôn lậu chế tác vàng miếng giả các thương hiệu khác.

Thực tế, trên thị trường mua bán vàng miếng các thương hiệu đều quay vòng, kể cả thương hiệu vàng SJC. Ông Trần Hữu Phúc- Giám đốc sản xuất vàng Cty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho rằng, Nhà nước không được lợi gì khi độc quyền vàng miếng, thậm chí còn thất thu khi doanh nghiệp ngừng sản xuất vàng miếng thì không có thuế đóng cho nhà nước.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng lạc quan nhìn nhận sự độc quyền vàng miếng thì số lượng vàng lưu thông trên thị trường vàng giảm đi, giảm được buôn lậu do đó nguồn ngoại tệ để nhập khẩu vàng cũng sẽ giảm.

Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường vàng những ngày qua cho thấy, mục tiêu lớn nhất là kéo khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không đạt được.

Trong phiên giao dịch ngày 12-9, giá vàng SJC vẫn cao hơn vàng thế giới 2,7 triệu đồng/lượng.

Chưa kể, chính sách độc quyền vàng miếng, đã tạo vị thế cho vàng miếng SJC lên thế độc tôn, còn những thương hiệu vàng khác tự nhiên mất giá (phiên giao dịch 12-9, giá vàng Bảo Tín Minh Châu thấp hơn SJC tới hơn 3 triệu đồng/lượng).

Theo một chuyên gia, hiện NHNN đã độc quyền sản xuất vàng miếng, nhưng rồi đây không biết việc tổ chức sản xuất và phân phối sẽ ra sao, vì NHNN là cơ quan nhà nước không thể trực tiếp đứng ra kinh doanh được.

Còn nếu lập một doanh nghiệp nhà nước, thuộc NHNN để chuyên sản xuất và kinh doanh cũng không ổn, vì khi đó độc quyền nhà nước sẽ biến thành độc quyền doanh nghiệp đối với vàng miếng, dễ phát sinh tiêu cực như từng xảy ra với các thị trường điện, viễn thông... mà chúng ta đã và đang phải mất nhiều năm mới có thể xoá được.

“Đó là lý do mà NHNN vừa rồi chưa cho nhập vàng để bình ổn thị trường, vì nếu nhập vào lãi thì không sao, nếu lỗ thì ai chịu trách nhiệm”, vị chuyên gia nói.

Sân chơi của ông lớn ngân hàng

Theo Nghị định 24 quản lý kinh doanh vàng, thị trường kinh doanh vàng miếng chỉ còn tên tuổi của những đại gia, mà phần lớn là chính những ngân hàng thương mại.

 Nghị định 24 về quản lý vàng ra đời, với cái lợi mà Nhà nước kỳ vọng là kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nhưng cái lợi đến thời điểm này không làm được. Vô hình trung cái lợi đặt ra biến thành cái hại và hơn ai hết chịu thiệt là chính người dân”. 

Các đơn vị khác như Bảo Tín Minh Châu, Cty Kinh doanh vàng Agribank phải ngưng, do không đáp ứng được các điều kiện mà Nghị định 24 đặt ra: Ngân hàng đáp ứng đủ 3 điều kiện, có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký kinh doanh vàng; mạng lưới chi nhánh từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; với doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm; nộp thuế 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm gần nhất và có mạng lưới chi nhánh bán hàng tại ít nhất 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Với những điều kiện trên, cuộc chơi trên thị trường phân phối vàng miếng sẽ thuộc về các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi các NHTM đều đáp ứng được điều kiện này. Trong khi chức năng chính của các NHTM là làm kinh doanh tiền tệ, chứ không phải kinh doanh vàng.

Trước đây, thị trường có hệ thống cả vạn cửa hàng kinh doanh vàng đến thôn, xã nên các đại gia có muốn làm giá cũng khó. Nay thị trường chỉ còn vài ông lớn, nếu nhà nước không quản được, rất dễ bị bắt tay làm giá, lũng đoạn thị trường.

“Thị trường chỉ có thể thông suốt khi cơ chế quản lý tuân theo đúng quy luật của thị trường - quy luật cạnh tranh lành mạnh. Những khó khăn trên sẽ gây tâm lý e ngại cho người dân, xét về mặt thị trường, hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ trầm lắng”, ông Trần Hữu Phúc nhận định.

Ngoài ra, từ 25-11-2012, các NHTM cũng bị cấm huy động, chuyển đổi và cho vay vốn bằng vàng. Nếu người dân có vàng mang gửi ngân hàng giữ hộ sẽ phải trả phí.

Như vậy, một khối lượng vàng được dự đoán từ 400-500 tấn trong dân, sẽ là tài sản chết, không chuyển hoá được để lưu thông.

“Kể cả khi đó NHNN có đề án huy động vàng trong dân để chuyển hoá vàng thành ngoại tệ đi nữa cũng không dễ. Vì muốn hút được vàng trong dân, phải ổn định được giá trị VND, khi đó người dân mới có niềm tin để gửi vàng”, một chuyên gia bình luận.

Cũng theo vị chuyên gia trên, trên thế giới không có nước nào nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm về thương hiệu vàng của mình. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng và trọng vàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG