Lợi dụng văn bản giãn dân phố cổ, lừa gần 170 tỷ đồng

Chủ tọa cho biết sẽ tiếp tục triệu tập đại diện UBND quận Hoàn Kiếm tới tham dự phiên tòa.
Chủ tọa cho biết sẽ tiếp tục triệu tập đại diện UBND quận Hoàn Kiếm tới tham dự phiên tòa.
TPO - Có văn bản của UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chấp thuận cho xây dựng dự án giãn dân phố cổ, các bị cáo đăng tin rao bán căn hộ, thu hơn 169 tỷ đồng…

Ngày 14/3, TAND TP Hà Nội xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua dự án giãn dân phố cổ tại quận Hoàn Kiếm. Các bị cáo hầu tòa gồm 2 anh em ruột Nguyễn Đức Thắng (SN 1950) và Nguyễn Đức Lợi (SN 1955) – nguyên TGĐ Cty CP phát triển kinh tế Hà Nội (gọi tắt Cty Hà Nội).

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Quốc Xương (SN 1958) – Nguyên Phó TGĐ Cty CP Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Theo cáo trạng, từ năm 2000, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho UBND quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư Dự án gián dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội) với số vốn giai đoạn 1 khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thấy vậy, Nguyễn Đức Thắng đã môi giới cho Cty Hà Nội do em trai mình làm Tổng giám đốc với UBND quận Hoàn Kiếm để được xây dựng căn hộ phục vụ giãn dân.

Năm 2009, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ký công văn chấp thuận việc Cty Hà Nội được bỏ kinh phí xây dựng 1.800 căn hộ phục vụ giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng.

Sau đó, Nguyễn Đức Thắng lại môi giới cho Trần Ứng Thanh – nguyên TGĐ Cty Hồng Hà để thực hiện dự án. Theo thỏa thuận, ông Thanh sẽ “lại quả” 7% (khoảng 280 tỷ đồng) tiền đầu tư cho Thắng và Cty Hà Nội. Trong đó, Thắng phải dùng 5% để đi quan hệ cho Cty Hồng Hà được thi công toàn bộ dự án và hưởng các ưu đãi.

Năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định giao Cty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và đầu tư dự án giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng. Trần Ứng Thanh khai nhận, đã dùng tiền vào việc quan hệ, quà biếu để Cty Hồng Hà có được quyết định này và được hưởng các ưu đãi như mua 100 căn hộ tại dự án; có 25% số căn hộ để kinh doanh; được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch…

Tuy nhiên, phải đến năm 2012, Thành ủy Hà Nội mới thông qua và giao UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai cơ chế đặc thù, được chỉ định nhà thầu ứng vốn xây dựng và thi công phục vụ giãn dân phố cổ.

Lợi dụng văn bản giãn dân phố cổ, lừa gần 170 tỷ đồng ảnh 1

Các bị cáo Nguyễn Đức Thắng (bìa trái) và Nguyễn Đức Lợi.

Mặc dù vậy, Cty Hồng Hà vẫn sử dụng các văn bản được UBND quận Hoàn Kiếm cấp để giới thiệu mình là chủ đầu tư dự án, lừa đảo khach hàng mua căn hộ. Tổng cộng, từ 2010 – 2012, Cty Hồng Hà đã nhận đặt cọc của 146 người, thu hơn 169 tỷ đồng (hiện mới trả được 32 tỷ đồng).

Quá trình giải quyết vụ án, bị can Trần Ứng Thanh đã chết khi đang chấp hành án phạt tù (vụ án đã trải qua xét xử nhưng bị hủy án - PV).

Trong vụ án, các cán bộ UBND quận Hoàn Kiếm bị xác định đã soạn thảo, trình ký, ban hành các văn bản, quyết định với dự án giãn dân phố cổ, không kiểm tra năng lực, quá trình thực hiện dự án dẫn đến việc Cty Hồng Hà sử dụng các văn bản này để lừa đảo.

UBND quận Hoàn Kiếm giải thích, các văn bản nói trên chỉ nhằm giao cho Cty Hồng Hà tham gia nghiên cứu xây dựng dự án giãn dân, trong đó có việc xã hội hóa huy động vốn, chỉ định thầu… Do dự án chưa có tiền lệ, UBND quận Hoàn Kiếm còn thiếu kinh nghiệm nên nội dung và thể thức của một số văn bản còn thiếu chính xác về câu chữ, dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng để đăng tin rao bán căn hộ.

Năm 2014, Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án này được tạm đình chỉ điều tra năm 2015 vì phía công an cho rằng UBND quận Hoàn Kiếm không biết Cty Hồng Hà sử dụng các văn bản của mình để lừa đảo, các bị cáo khai không bàn bạc, thống nhất với cá nhân nào trong UBND quận…

Tại tòa hôm nay (14/3), chủ tọa cho biết đã triệu tập đại diện UBND quận Hoàn Kiếm tham dự nhưng vị này vắng mặt. Kiểm sát viên đề nghị tòa tiếp tục triệu tập đại diện quận Hoàn Kiếm để làm rõ việc dự án có được tiếp tục triển khai và để bảo vệ cho quyền, lợi ích của các bị hại. Chủ tọa đồng tình ý kiến này.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.