Hà Nội:

Lối đi chung bất ngờ bị 'xóa sổ', 2 cụ già rứt ruột bỏ nhà đi ở nhờ

Cổng gia đình bà Thương bị hàng xóm chặn lại, dồn nước thải vào trong.
Cổng gia đình bà Thương bị hàng xóm chặn lại, dồn nước thải vào trong.
TPO - Hai hộ dân đi chung ngõ hàng chục năm, đến năm 2003, UBND huyện Ứng Hòa cấp sổ đỏ cho hộ ông Đặng Xuân Nùng bao trùm lên diện tích lối đi chung. Sự việc trên đã đẩy gia đình bà Nguyễn Thị Thương vào cảnh khốn đốn, phải đi ở nhờ do gia đình hàng xóm liên tục cho người đập phá, phóng uế, chặn lối vào nhà trong thời gian bà Thương khởi kiện ra tòa.

Đó là trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Thương (SN 1946, ở xóm Đá, xã Tảo Dương Văn, Ứng Hòa, Hà Nội) gặp phải. Bà Thương và ông Đặng Xuân Nùng (đã mất), cùng được gia đình ông Đặng Quang Tuyến bán cho 2 mảnh vườn cạnh nhau từ trước năm 1975. Theo ông Tuyến, cả 3 gia đình cùng là họ hàng với nhau nên gia đình ông “vừa bán vừa cho”. Ông cũng giữ lại một mảnh vườn ở trong, các khu đất có một lối đi chung.

Cấp sổ đỏ "xóa sổ"  lối đi chung

Theo tìm hiểu, từ trước những năm 1980, gia đình bà Thương và ông Nùng đã xây dựng nhà cửa, có lối đi chung và riêng rõ ràng, hai bên sinh sống ổn định. Bản đồ địa chính xã Tảo Dương Văn năm 1985, sổ mục kê cũng thể hiện 2 căn nhà đều có đường ra.

Năm 2003, hộ ông Nùng xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và được UBND huyện Ứng Hòa (thời điểm này thuộc tỉnh Hà Tây) cấp theo quy định. Điều đáng nói, sổ đỏ của gia đình ông Nùng lại bao trùm lên cả phần ngõ đi chung và một phần cổng, sân, vườn của gia đình bà Thương.

Sau khi ông Nùng mất năm 2016, tranh chấp bắt đầu xảy ra, khi con gái ông Nùng là bà Đặng Thị Liên được thừa kế căn nhà yêu cầu hộ bà Thương phải hoàn trả diện tích đất theo đúng sổ đỏ họ được cấp.

Tháng 2/2017, gia đình bà Liên tiến hành bịt cống thoát nước, đổ bê tông lên khiến nước thải sinh hoạt trút thẳng vào nhà bà Thương. Nhà bà Liên còn cho người phá cổng nhà bà Thương, rào chắn ngõ đi duy nhất - vốn đã có từ những năm 1970.   

Rớm nước mắt, cụ già hơn 70 tuổi đưa cho phóng viên những bức ảnh thể hiện người nhà bà Liên chửi bới, phóng uế vào cổng nhà mình để nước thải cuốn vào sân. Bà Thương cùng các con đã nhiều lần trình báo, gửi đơn tới chính quyền xã, công an huyện nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Không chịu nổi, bà Thương và chồng là ông Nguyễn Đình Cẩn buộc phải rời căn nhà đã gắn bó gần 40 năm đi ở nhờ. Bà Thương cho biết: “Chúng tôi vẫn trồng rau đi chợ rồi sinh sống ở đây nhưng bị chặn cổng, 2 vợ chồng chỉ biết trèo tường ra ngoài. Các con lo bố mẹ già nhỡ ngã nguy hiểm nên bắt đi ở nhờ”.

Theo tìm hiểu, tháng 5/2107, gia đình bà Liên tiếp tục phá cổng, hoa màu đồng thời cho đổ bê tông kèm cọc sắt lên lối đi và một phần sân, vườn của gia đình bà Thương. Tại đây, một cổng sắt kiên cố cũng được dựng lên đầu ngõ. Nếu muốn vào nhà, gia đình bà Thương phải nhờ mở cửa. 

Chữ ký giả khiến 2 nhà mất ngõ đi chung?

Để được cấp sổ đỏ, gia đình ông Đặng Xuân Nùng cần có biên bản xác định ranh giới, mốc giới theo hiện trạng sử dụng đất với các hộ dân tiếp giáp. Do thiếu hiểu biết quy định của Nhà nước, chồng bà Thương là ông Nguyễn Đình Cẩn đã ký vào biên bản mà không hay biết nội dung.

Ông Cẩn cho biết mình đi bộ đội từ những năm chống Mỹ, phục viên sau năm 1990 nên không biết tờ bản đồ bao gồm thửa đất của gia đình đã bị thay đổi. Bên cạnh đó, đất hai nhà được phân định rõ từ những năm 1970 và là họ hàng thân thiết nên ông không để ý nhiều. Việc ông Cẩn ký vào biên bản cũng không được vợ, con biết và cho ý kiến.

Đáng lưu ý, tờ bản đồ gồm thửa đất của 2 hộ dân trên được vẽ lại năm 2002 đã có thay đổi. Cụ thể, tờ bản đồ năm 1985 thể hiện các gia đình đều có lối đi nhưng khi được vẽ lại, phần đất gia đình ông Nùng đã mở rộng thêm khoảng 1,5m lấn sang nhà bà Thương.

Tiếp đến, ông Đặng Quang Tuyến - gia đình bán đất cho cả 2 gia đình và vẫn còn một mảnh vườn tiếp giáp cũng có chữ ký tại biên bản trên. Khi được xem biên bản, ông Tuyến khẳng định chữ ký này không phải là chữ ký của ông. Ông Tuyến cho biết, đã chuyển Hà Đông sinh sống từ lâu và không biết có việc xác định ranh giới cho hộ ông Nùng làm sổ đỏ.

Ông Tuyến khẳng định đã công tác trong Nhà nước nhiều năm nên chữ ký chỉ có một. Ông Tuyến cũng tiến hành lập vi bằng thể hiện có người giả mạo chữ ký của mình. Hiện ông Tuyến còn sở hữu một mảnh vườn phía sau đất của bà Thương, nên khi gia đình bà Thương bị mất lối đi, mảnh đất của ông Tuyến nghiễm nhiên cũng không thể ra vào.

Gian nan khởi kiện

Đã mất lối đi, không thể vào nhà lại bị hàng xóm vốn là họ hàng gây khó dễ, anh Nguyễn Mạnh Tuấn – con trai bà Thương đã thay bố mẹ nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Ứng Hòa từ năm 2017. Anh cho biết, sau khi biết bị kiện, gia đình bà Liên mới tạm dỡ bỏ gạch đá để anh và bố mẹ có thể vào nhà nhưng vẫn giữ nguyên cổng sắt bên ngoài.

Lối đi chung bất ngờ bị 'xóa sổ', 2 cụ già rứt ruột bỏ nhà đi ở nhờ ảnh 1

Các biên lai thu thuế đất từ hàng chục năm nay được anh Tuấn nộp cho tòa án.

Tòa án huyện Ứng Hòa cũng tổ chức hòa giải với đại diện của 2 gia đình, hàng xóm và trưởng thôn,… Phương án được đưa ra là mỗi gia đình cắt 1m chiều ngang làm lối đi chung; giữ nguyên sổ đỏ của ông Nùng nay thuộc bà Liên.

Anh Tuấn không chấp nhận phương án này, với lý do: “Nhà cửa chúng tôi sử dụng đã 30 năm nay thành ra phải đi nhờ. Nhà bà Liên được cấp sổ đỏ theo kiểu lấn đất nhà tôi, giờ lại bắt gia đình tôi cắt thêm 1m. Giả sử bà Liên bán đất, người chủ mới liệu có cho chúng tôi đi qua?”.

Vì vậy, anh Tuấn tiếp tục theo đuổi vụ kiện hiện đang được TAND TP Hà Nội thụ lý và sẽ xét xử sơ thẩm vào ngày 16/8 tới. Anh Tuấn khởi kiện dân sự với bị đơn Đặng Thị Liên yêu cầu hoàn trả lối đi chung, riêng, bồi thường các công trình bị phá...

Quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng thể hiện, UBND huyện Ứng Hòa được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, anh Tuấn và gia đình yêu cầu chính quyền thu hồi sổ đỏ đã cấp cho gia đình ông Đặng Xuân Nùng, hiện do bà Đặng Thị Liên hưởng thừa kế.

MỚI - NÓNG