Loạt sáng kiến của Gen Z trong mùa dịch: Quạt mini chống nóng, khẩu trang làm từ bã mía

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Trong thời gian qua, các bạn học sinh, sinh viên trên cả nước đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Điển hình là những phát minh hữu ích như quạt mini chống nóng, áo làm mát cho các bác sĩ, khẩu trang làm từ bã mía, mũ chống dịch...

Học sinh lớp 6 làm quạt mini chống nóng cho y bác sĩ vùng tâm dịch

Cảm động trước hình ảnh y, bác sĩ mồ hôi đầm đìa khi mặc bộ đồ bảo hộ chống dịch COVID-19 và làm việc dưới trời nắng nóng hơn 40 độ C, cậu bạn Nguyễn Đức Đại Phát, 12 tuổi ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã sáng chế ra những chiếc quạt mini để làm mát cho “các chiến sĩ áo trắng”. Món quá này gửi đến vùng tâm dịch Bắc Giang đã giúp giảm tác động của nắng nóng cho nhân viên y tế và góp phần cổ vũ, tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Loạt sáng kiến của Gen Z trong mùa dịch: Quạt mini chống nóng, khẩu trang làm từ bã mía ảnh 1

Phát cùng bố thử nghiệm làm ra máy hỗ trợ thở oxy. (Ảnh: Văn Hải)

Được biết, cậu bạn đã mày mò trong 3 ngày để làm ra chiếc quạt mini này. Nguyên lý của nó giống như chiếc quạt gió giảm nhiệt cho máy tính. Vì nó được đeo vào người và ở bên trong bộ quần áo bảo hộ nên cả 2 mặt của quạt Đại Phát đều làm những khung chắn để không hút vải quần áo vào... Chiếc quạt này chạy liên tục được 2 tiếng đồng hồ với 3 chiếc pin. Cậu bạn cũng đang tìm tòi để quạt có thể chạy được lâu hơn và dự định mỗi đợt sẽ làm thêm 30-40 chiếc. Hiện giá trị của một chiếc quạt, kèm theo pin và sạc là gần 300.000 đồng

Ngày 31/5 vừa qua, 10 chiếc quạt mini đầu tiên do Phát làm ra đã đến được với những người ở tuyến đầu chống dịch.

Ba nữ sinh lớp 11 làm khẩu trang than hoạt tính từ bã mía

Với sản phẩm khẩu trang than hoạt tính từ bã mía, Bùi Thị Mỹ Duyên, Lê Thị Ngọc Yến và Nguyễn Thị Bích Ngọc đang hoàn thiện hồ sơ tham dự cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng huyện Lai Vung.

Mỹ Duyên cho biết bã mía được làm sạch bằng nước cất, cắt nhỏ, phơi khô, đảm bảo vô trùng. Bã mía sau đó sẽ được nung ở nhiệt độ cao, trong điều kiện yếm khí để tạo ra than hoạt tính.

Tiếp theo là công đoạn tán than hoạt tính thành dạng bột và trải đều trên lớp giấy kháng khuẩn. Lớp giấy này sẽ để giữa lớp vải khẩu trang. Cuối cùng là may viền, cố định thanh nẹp, dây. Mỹ Duyên cho biết, mỗi khẩu trang sử dụng khoảng 1-2 mg than hoạt tính, mỗi ký bã mía sẽ làm ra được rất nhiều khẩu trang.

Loạt sáng kiến của Gen Z trong mùa dịch: Quạt mini chống nóng, khẩu trang làm từ bã mía ảnh 2

Than hoạt tính được trải đều trên lớp giấy kháng khuẩn, phần quan trọng của khẩu trang. (Ảnh: Phúc Điền/ VnExpress)

Do các công đoạn đều làm bằng thủ công nên cả ba nữ sinh hợp lại làm, một chiếc khẩu trang mất khoảng 30 phút đến một tiếng.

Hiện tại, bã mía rất nhiều ở vùng quê. Người dân thường phơi khô bã mía làm chất đốt hoặc phân hữu cơ. Các bạn nữ sinh ước tính mỗi khẩu trang y tế dạng này có giá thành khoảng 3.000 đồng mỗi cái.

Học sinh lớp 3 cùng mẹ khâu 500 tai giả tặng y bác sĩ

Thấy y bác sĩ ở Bắc Giang đeo khẩu trang suốt ngày khiến tai và mặt hằn lên vết đỏ, nữ sinh lớp 3 Hoàng Phi Yến đã làm những chiếc tai giả có tác dụng giảm đau.

Loạt sáng kiến của Gen Z trong mùa dịch: Quạt mini chống nóng, khẩu trang làm từ bã mía ảnh 3

Trong ba ngày, từ 3/6 đến 5/6, Yến cùng mẹ, chị Phương Thảo, ở quận Đống Đa, Hà Nội, hoàn thành 500 chiếc tai giả làm quà cho Bắc Giang. Phi Yến còn tự tay làm tấm thiệp 3D kèm lời nhắn gửi các y bác sĩ.

Loạt sáng kiến của Gen Z trong mùa dịch: Quạt mini chống nóng, khẩu trang làm từ bã mía ảnh 4

Chi phí mua cúc và chun để làm ra 500 tai giả khoảng 500-600K. Toàn bộ sản phẩm sau đó được một người quen quê Bắc Giang gửi đến y bác sĩ.

Học sinh lớp 12 ở Quảng Ngãi chế tạo thành công máy ATM đa năng

Hai nữ sinh Võ Lê Xuân Thùy và Hồ Nguyễn Minh Thư, lớp 12C2, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP. Quảng Ngãi) vừa nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi chế tạo thành công máy ATM đa năng. Mới đây, hai nữ sinh cũng đã đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học tại Quảng Ngãi.

Loạt sáng kiến của Gen Z trong mùa dịch: Quạt mini chống nóng, khẩu trang làm từ bã mía ảnh 5

Minh Thư và Xuân Thùy chế tạo máy ATM đa năng.

Chiếc máy “ATM đa năng” tích hợp 4 tính năng gồm ATM mì tôm, ATM khẩu trang, ATM gạo và sát khuẩn rửa tay. Các tính năng được tích hợp trong một chiếc máy để phục vụ tốt hơn và hỗ trợ lương thực cho người dân trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19. Thiết bị có khả năng tự động hóa, tránh tiếp xúc trực tiếp.

Hiện tại, máy ATM đa năng có thể chứa 10kg gạo, 50 cái khẩu trang và 50 gói mì tôm. Mô hình có thể được nâng cấp để tạo sức chứa lớn hơn trong trường hợp cần thiết.

3 học sinh sáng chế "mũ chống dịch", giảm nguy cơ lây nhiễm tới 99,9%

Ba bạn trẻ là Đỗ Trọng Minh Đức (học sinh lớp 11 Trường Montverde Academy - Mỹ), Trần Nguyễn Khánh An (học sinh lớp 8 Trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy) và Nguyễn Hoàng Phúc (học sinh Trường quốc tế Pháp Lfay Hà Nội).

Loạt sáng kiến của Gen Z trong mùa dịch: Quạt mini chống nóng, khẩu trang làm từ bã mía ảnh 6

Vihelm là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc vi rút khiến vi rút không thể lây xuyên qua mũ trong khi đội. Chiếc mũ cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong, do đó, không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người đội.

Loạt sáng kiến của Gen Z trong mùa dịch: Quạt mini chống nóng, khẩu trang làm từ bã mía ảnh 7

Đặc biệt, khi đội mũ, người dùng vẫn có thể thực hiện các động tác như gãi đầu, gãi mặt, thậm chí ăn uống mà không phải tháo dỡ thiết bị, bởi trong mũ còn có ít nhất một hộc rỗng dùng để chứa nước uống, thực phẩm hoặc các dụng cụ cá nhân khác như tăm, chỉ nha khoa, khăn lau… Người dùng cũng có thể được theo dõi, đo thân nhiệt mà không cần phải tháo, gỡ thiết bị.

Sinh viên Bách khoa Hà Nội sáng chế "áo làm mát" hỗ trợ bác sĩ tâm dịch

Nhóm sinh viên Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội đã tìm ra giải pháp chống nóng cho các y bác sĩ phải mặc bộ đồ bảo hộ nóng bức trong thời tiết khắc nghiệt chống chọi với COVID-19.

Nhóm sinh viên bao gồm: Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo và Kiều Thị Thùy Linh, cùng với sự cố vấn của PGS. Vũ Đình Tiến đã nghiên cứu giải pháp chống nóng. Trên cơ sở kinh nghiệm về làm mũ bảo hiểm chống nóng, nhóm đã thiết kế áo chống nóng theo nguyên lý tuần hoàn nước lạnh.

Qua thử nghiệm, áo làm mát tuần hoàn nước lạnh có thời gian làm mát nhanh, người dùng không bị tháo mồ hôi. Nhiệt độ làm mát có thể điều chỉnh thông qua lưu lượng bơm, không gây sốc nhiệt cho người sử dụng.

Loạt sáng kiến của Gen Z trong mùa dịch: Quạt mini chống nóng, khẩu trang làm từ bã mía ảnh 8

Toàn cảnh áo làm mát khi mặc trong bộ đồ bảo hộ và balo chứa đá/ nước lạnh khoác ngoài. (Ảnh: Duy Thành)

Chiếc áo sử dụng nguồn pin sạc dự phòng của điện thoại, nên có thể làm việc trên 8 tiếng. Ngoài ra, người dùng có thể bổ sung "chất làm mát" trong quá trình sử dụng bằng cách thêm đá hoặc nước đá vào chiếc bình đựng trong ba lô đi kèm mà không cần cởi áo. Hiện tại, với mỗi lần thêm đá, áo có thể làm mát đến 2 giờ. Nhóm sinh viên Bách khoa Hà Nội vẫn đang cố gắng cải tiến sản phẩm, với mong muốn giảm thiểu tối đa số lần bổ sung nước đá của người sử dụng trong quá trình làm việc.

Không chỉ phục vụ cho trận chiến chống dịch, áo làm mát tuần hoàn nước lạnh còn phù hợp với những người làm việc trong môi trường nóng bức hoặc những người thường xuyên di chuyển ngoài trời.

Loạt sáng kiến của Gen Z trong mùa dịch: Quạt mini chống nóng, khẩu trang làm từ bã mía ảnh 10
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm