Loạt địa phương vào cuộc chấn chỉnh, chặn 'sốt đất' cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước hiện tượng giá đất tăng đột biến do các nhóm đầu cơ liên kết để “thổi giá” vào dịp cuối năm, chính quyền một số địa phương đã ban hành các văn bản tạm dừng tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép, cấp sổ đỏ chồng lấn, sai đối tượng, siết điều kiện tham gia đấu giá đất,... nhằm chặn đứng "cơn sốt đất ảo".

Khánh Hòa tạm dừng tiếp nhận giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất

Mới đây, sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thống nhất việc định hướng quy hoạch, phát triển khu vực Nam Vân Phong (phường Ninh Thủy, Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), thuộc Khu kinh tế Vân Phong với chức năng là đô thị công nghiệp, cảng biển, logistics; nhiều nhà đầu tư đã rậm rịch về khu vực này để khảo sát, tiến hành mua, bán đất và giá đất ở đây cũng bắt đầu có chiều hướng “tăng nóng”.

Nhận thấy nguy cơ rõ ràng của “cơn sốt đất” giống như hồi năm 2018 và đầu năm 2021, mới đây, UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã ban hành thông báo số 5275/UBND về việc tạm dừng tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cụ thể, thực hiện Quy hoạch SDĐ đến năm 2020 trên địa bàn thị xã Ninh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tại Quyết định số 1173/QĐ-UBND ngày 25/4/2019. Đến nay, quy hoạch của thị xã Ninh Hòa đã hết hạn gần 12 tháng (kể từ sau 31/12/2020).

Bên cạnh đó, việc triển khai kế hoạch SDĐ năm 2021 của thị xã Ninh Hòa được thực hiện theo chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch của kỳ quy hoạch, kế hoạch đến năm 2020. Để đảm bảo cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ trong việc giải quyết hồ sơ đất đai theo đúng quy định.

Loạt địa phương vào cuộc chấn chỉnh, chặn 'sốt đất' cuối năm ảnh 1

Trước đây, sau khi thông tin quy hoạch thành lập khu kinh tế Vân Phong được công bố, đất ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa tăng hàng chục lần. Trong ảnh là một góc khu nam Vân Phong (Ảnh: An Bình)

Mặc khác, hiện nay thị xã Ninh Hòa đang triển khai lập mới quy hoạch SDĐ 2021- 2030 và xây dựng kế hoạch SDĐ năm đầu của kỳ quy hoạch (trong đó thực hiện theo định hướng quy hoạch cấp tỉnh, của Ban QLKKT Vân Phong và các quy hoạch khác...).

Do đó, để tránh phát sinh việc mâu thuẫn giữa các quy hoạch (quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch SDĐ cấp huyện, quy hoạch Vân Phòng và các quy hoạch chuyên ngành khác) và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người SDĐ (cụ thể đối với kết quả giải quyết hồ sơ chuyển mục đích SDĐ). UBND thị xã Ninh Hòa thông báo tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích SDĐ từ ngày 10/12 2021 cho đến khi Quy hoạch SDĐ 2021- 2030 và Kế hoạch SDĐ năm 2022 của thị xã Ninh Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đầu năm 2018, khi Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong (thuộc thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh). Hàng trăm môi giới đất ồ ạt đổ về thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh để mua, bán đất. Cơn" sốt đất" thời điểm đó được ví như một “cơn bão” vì chỉ trong một đêm, 1m2 đất có thể tăng giá 50 đến 70 lần.

Những khu vực vốn là đồi cát, đìa tôm, ruộng lúa… cũng được các “cò” đất đẩy giá 500 triệu đến vài tỷ đồng. Thậm chí "sốt đất" đến nỗi nhiều ngư dân cũng bỏ đi biển ở nhà đi môi giới đất đai ở Ninh Hòa.

Trước "cơn sốt đất" điên đảo, giá tăng vượt kiểm soát, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra văn bản tạm dừng chuyển đổi mục đích SDĐ, tách thửa, chuyển quyền SDĐ tại khu vực quy hoạch xây dựng đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh).

Hà Tĩnh chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép

Nhận thấy hiện tượng giá đất lần đầu tiên tăng chóng mặt ở một số địa phương như như Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Can Lộc,… nơi có thông tin nhiều “ông lớn” BĐS sắp đổ bộ để thực hiện dự án; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – ông Võ Trọng Hải đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai.

Theo đó, văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, trên địa bàn các địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng nhiều hộ gia đình, cá nhân tự ý chia nhỏ thửa đất ở, đất vườn ao liền kề đất ở, đất trồng cây lâu năm để thực hiện phân lô, tặng cho, chuyển quyền SDĐ, như: việc xin tách thửa đất để phân lô, bán nền đối với 62 thửa đất tại xã Ngọc Sơn (Thạch Hà); việc xin chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất và tách thửa đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) của các hộ gia đình, cá nhân tại thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc) và tại một số địa phương khác.

Loạt địa phương vào cuộc chấn chỉnh, chặn 'sốt đất' cuối năm ảnh 2

Đất ở thuộc xóm Hoà Bình, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) – gần với dự án Bệnh viện Vinmec Thiện Tâm Hà Tĩnh từng được môi giới đất “thổi giá” từng ngày. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Việc thực hiện phân lô do các hộ gia đình tự ý mở đường giao thông trong thửa đất mà không có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến quy hoạch SDĐ của cấp huyện, không phù hợp với quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung, quy hoạch nông thôn mới) đã được phê duyệt làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai tại các địa phương.

Sau khi xem xét các báo cáo và đề nghị của Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, từng bước lập lại trật tự xây dựng và quản lý đất đai, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ngành liên quan, giám đốc văn phòng đăng ký đất đai và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

Trong khi đó, Bí thư Thị ủy Kỳ Anh - Đặng Văn Thành chỉ đạo UBND Thị xã có văn bản chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương công bố, công khai kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch SDĐ, các dự án trên địa bàn. Nhằm giúp các tổ chức, người dân tiếp cận thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng đẩy giá đất lên cao. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng phát cảnh báo không chạy theo cơn “sốt đất ảo” rồi vay tiền đầu tư đến người dân.

Đắk Nông chấn chỉnh tình trạng cấp sổ đỏ chồng lấn, sai đối tượng

Mới đây, Viện KSND tỉnh Đắk Nông vừa kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh này về những hạn chế, tồn tại trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở các huyện, thành phố ở Đắk Nông.

Được biết, năm 2021, Viện KSND tỉnh Đắk Nông kiểm sát xét xử 18 vụ án hành chính và dân sự sơ thẩm. Kết quả, Hội đồng xét xử Tòa án các cấp đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện, qua đó tuyên hủy 11 vụ án (chiếm tỉ lệ 61%). Nguyên nhân được xác định, do các sổ này đã được cấp không đúng đối tượng, hoặc cấp chồng lấn dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Loạt địa phương vào cuộc chấn chỉnh, chặn 'sốt đất' cuối năm ảnh 3

Viện KSND tỉnh Đắk Nông cho rằng nguyên nhân chủ yếu các vụ tranh chấp đất đai là do trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận, các cơ quan chuyên môn chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, chưa kiểm tra xác minh kỹ về đối tượng sử dụng đất; không đối chiếu bản trích đo với bản đồ giải thửa; không thực hiện chặt chẽ việc ký giáp ranh...

Trên cơ sở đó, Viện KSND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh này tăng cường năng lực hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trong quản lý đất đai nói chung và cấp sổ đỏ nói riêng; đảm bảo tuân thủ đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định pháp luật; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác quản lý hành chính về đất đai.

Quảng Trị “siết chặt" điều kiện tham gia đấu giá

Sau khi một “ông lớn” bất động sản trúng đấu giá khu đất rộng hơn 13ha thuộc dự án KĐT Thương mại – Dịch vụ Nam Đông Hà tại phường Đông Lương (TP. Đông Hà, Quảng Trị), thị trường nhà đất ở khu vực này có sự “sốt’” nóng. Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị thông tin, nếu như trước đây giá đất ở các KĐT mới tại TP. Đông Hà dao động trong khoảng 13 - 15 triệu đồng/m2 thì nay đã ở ngưỡng 40 – 70 triệu đồng/m2.

Loạt địa phương vào cuộc chấn chỉnh, chặn 'sốt đất' cuối năm ảnh 4

Sức nóng từ cơn “sốt” đất tại TP. Đông Hà còn kéo theo việc thị trường đất vườn, đất thổ cư ở các huyện giáp TP như Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ cũng sôi động theo. Trong đó mặt bằng giá đất ở các huyện này đều tăng từ 5 – 7 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Trước việc thị trường bất động sản có dấu hiệu “sốt ảo”, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sự tham gia của giới đầu cơ, cò đất làm thị trường phát triển không ổn định, khiến giá đất bị đẩy lên cao quá so với giá trị thật, người dân có nhu cầu ở thực khó sở hữu nhà đất, làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư… Do đó sắp tới tỉnh này sẽ xem xét siết chặt hơn điều kiện tham gia đấu giá đất bằng cách nâng cao mức đặt cọc nhằm tránh tình trạng bên trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc do không chuyển nhượng lại được đất sau đó, dẫn tới phải tổ chức đấu giá nhiều lần như các địa phương khác trên cả nước.

Hồi Quý I/2021, cả nước xảy ra "sốt đất" cục bộ nên Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương phải tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, BĐS; đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai. Chính quyền Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Trị… cũng ban hành các văn bản, chỉ thị tăng cường quản lý đất đai.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.