Theo đó, BTV Hoàng Dương dẫn chứng từ những vấn đề kém văn minh xảy ra trên không gian mạng ở Việt Nam trong thời gian gần đây như: Tấn công trọng tài, chửi bới tục tĩu trên livestream, có phát ngôn gây hấn, thù hằn, kích động ....
“Mạng xã hội được xem như đời sống thứ hai của mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt đẹp thì không gian số ấy đang phơi bầy những góc khuất, mảng màu đen tối. Bày tỏ suy nghĩ, chính kiến là quyền của mỗi người nhưng khi đã phát ngôn trên không gian mạng thì không còn là câu chuyện cá nhân của mỗi người. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến xu hướng việc dùng mạng xã hội để kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt đến vậy"- BTV Hoàng Dương bình luận.
Phóng sự nhấn mạnh, vòng xoáy phát ngôn gây thù ghét còn cuốn theo những người nổi tiếng, trong đó có một ca sĩ thần tượng rất quen mặt với khán giả, nam diễn viên từng ghi dấu ấn với nhiều phim truyền hình…
Ca sĩ được xem là thần tượng của giới trẻ được nhắc đến với những lời lẽ gây kích động, thù hằn trên mạng xã hội. |
Hay một diễn viên truyền hình có những phát ngôn vô văn hóa trên mạng xã hội. |
PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định tại chương trình: "Phát ngôn văn minh trên mạng xã hội không phụ thuộc vào độ nổi tiếng, vị trí xã hội hay học hàm học vị của người nào đó. Có người nổi tiếng nhưng vẫn phát ngôn, hành động mang tính chất tục tĩu trên mạng xã hội chứng tỏ trình độ văn hoá, mức độ hàm dưỡng văn hoá của họ thấp".
Ranh giới giữa tự do ngôn luận, bày tỏ thoá mạ và xúc phạm người khác chưa bao giờ mong manh đến thế.
Tiếp đến, phóng sự của VTV trích đoạn video livestream của 1 cựu người mẫu kèm lời bình: “Có một nhà nghiên cứu văn hóa đã phải đau đớn thốt lên rằng: ‘Mạng xã hội giờ đây là 1 cái chợ, người nói ẩn hình, tràn lan chửi rủa, hành xử vô văn hóa’ - nhận này đúng nhưng chưa đủ khi mà giờ đây nhiều người còn công khai xuất hiện trên mạng xã hội để chửi tục, cãi lộn, phát ngôn bừa bãi khi các nền tảng mạng xã hội có chức năng phát trực tiếp hay còn gọi là ‘livestream’. Không ít người nổi tiếng coi đó là một quyền năng mới để thỏa sức thốt ra những lời lẽ không thể khó nghe hơn được nữa.”; “Một cựu người mẫu với một livestream gồm vô số lời tục tĩu khó nghe dài hơn 8 phút. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng đã có hơn 7.600 lượt xem”…
Bên cạnh đó, một cô gái xưng là hotgirl cũng bị điểm mặt khi mặc trang phục hở hang, phản cảm livestream bằng những từ ngữ vô văn hoá.
Từ thực trạng trên, VTV đề cập tới các giải pháp dọn "rác" trên mạng xã hội. Theo đó, Bộ TTTT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Và để dọn sạch rác trên mạng cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng, lẫn cộng đồng bằng cách giải pháp cụ thể hơn.
LS Đặng Văn Cường nói: "Loan tin, bịa chuyện vu khống và xúc phạm nhân phẩm, danh dự và uy tín người khác, hành vi đó vi phạm quy định của Điều 8, Điều 16, 17 và 18 của Luật An ninh mạng. Gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự, cụ thể là tội vu khống hoặc làm nhục người khác theo điều 155 hoặc 156 của Bộ luật hình sự năm 2015".
Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục PTTT và TTĐT, Bộ TTTT khẳng định: "Khi chúng ta có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì mỗi cá nhân bên cạnh việc chấp hành pháp luật, chúng ta cũng coi đó là văn hoá khi tham gia không gian mạng. Văn hoá này không chỉ điều chỉnh ở pháp luật, không chỉ điều chỉnh ở xã hội mà còn điều chỉnh ở đạo đức".
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT QG VN nói thêm: "Chúng ta hy vọng hình thành nên một dư luận xã hội, tuyên truyền để tạo nên áp lực nhất định để hình thành cư xử đúng đắn trên mạng. Điều này vô cùng quan trọng với xã hội chúng ta ngày hôm nay, khi chúng ta biết rằng những hành vi trên mạng xã hội không chỉ đơn thuần mang tính cá nhân mà có tác động rất lớn với môi trường văn hoá của chúng ta".