Loạn quỹ tự nguyện khu dân cư ở Hà Nội

Bảng thu “giật mình” tại khu dân cư 2, phường Khương Đình đóng góp quỹ tự nguyện - Ảnh: NVCC
Bảng thu “giật mình” tại khu dân cư 2, phường Khương Đình đóng góp quỹ tự nguyện - Ảnh: NVCC
TP - Dịch bệnh vừa cơ bản được kiểm soát. Trong khi nhiều hộ gia đình còn đang cố gắng cải thiện kinh tế gia đình, tại nhiều cộng đồng dân cư ở Hà Nội vẫn xuất hiện các khoản thu dù mang tính chất ủng hộ, nhưng gây những bức xúc đáng kể cho người dân.

Mới đây, chị P.T.Q (tổ 3, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) đăng một bức ảnh trên mạng xã hội, phản ứng về việc phải đóng nhiều loại phí tự nguyện mà tổ trưởng tổ dân phố nơi chị Q ở đang triển khai. 

Chị Q cho rằng, chị sống ở tổ 3 từ năm 2001 đến nay. Năm nào, tổ dân phố nơi đây cũng thu nhiều loại quỹ cứng như quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo Việt Nam, quỹ lễ đình, quỹ phường, quỹ tổ dân phố, quỹ vì trẻ thơ, quỹ nhân đạo từ thiện, quỹ tình nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ người cao tuổi, quỹ bảo trợ xã hội, quỹ hội phụ nữ... Ngoài ra, còn một số loại quỹ phải đóng đột xuất như quỹ chữ thập đỏ, quỹ cựu chiến binh, quỹ tu bổ tượng đài liệt sĩ, quỹ ủng hộ thiên tai...

Theo chị Q: “Mỗi năm, nhà tôi phải đóng làm 2-3 đợt, mỗi đợt mấy loại quỹ. Mỗi lần gia đình tôi đóng 150.000 - 200.000 đồng. Tính ra, một hộ dân phải đóng khoảng 500.000 đồng/tiền quỹ/năm. Số tiền này nếu tính theo số đầu hộ là rất lớn”.

Tại phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), người dân sinh sống ở ngõ 55 phố Lê Quý Đôn cũng phản ứng gay gắt khi tổ trưởng tổ dân phố đến đề nghị đóng một số khoản phí tự nguyện cho các quỹ. Họ cho rằng, dịch COVID-19 vừa qua, Chính phủ còn đang có gói hỗ trợ người dân, trong khi tổ dân phố chưa thấy rà soát gì mà đã đi vận động đóng quỹ. 

Ở một số tổ dân phố địa bàn khác tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa… các tổ dân phố cơ bản cũng đã triển khai thu quỹ sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc thu quỹ không được nhiều. Người dân cũng đề nghị, việc thu quỹ phải công khai cho từng loại, việc chi quỹ cũng phải được thể hiện rõ ràng, công khai, minh bạch. 

Giãn thu các khoản tự nguyện

 Sau khi nhận được phản ánh, UBND phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc thu này là tự phát, do phường chưa có kế hoạch thu. Do đó, phường đã yêu cầu tổ dân phố trả lại người dân số tiền đã thu trước.

Loạn quỹ tự nguyện khu dân cư ở Hà Nội ảnh 1 UBND phường Khương Đình cho biết đã yêu cầu tổ dân phố trả lại người dân số tiền đã thu trước 


Ông Phạm Chi Linh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) cho biết, mỗi năm phường thu 5 loại quỹ “cứng” là: quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. 5 quỹ này do ban vận động của phường vận động sự ủng hộ của người dân. Toàn bộ số tiền này lưu giữ tại phường để phục vụ trực tiếp cho người dân trong phường. 

Những năm qua có thêm sự vận động nữa là ủng hộ quỹ biển đảo. Ngoài ra, các đợt khác theo các chủ đề của từng hội, đoàn thể sẽ có báo cáo riêng.

Về thu chi của các quỹ trên, ông Linh cho biết, hằng năm đều có báo cáo, thông qua các kỳ họp HĐND và thông qua các đợt kiểm tra. Khi chi quỹ, đều phải có phê duyệt của chủ tài khoản.
Tại phường Khương Thượng, cũng có các loại quỹ “cứng” tương tự. Tuy nhiên, năm nay do vướng dịch COVID-19 nên công tác thu quỹ chậm lại. Chủ tịch UBND phường Khương Thượng Nguyễn Hoàng Thắng cho biết, một số quỹ đã hoàn thành từ trước dịch, quỹ trẻ em căn cứ vào tình hình thực tế, phường đã báo cáo HĐND phường không vận động trong năm nay. 

Ông Đỗ Trọng Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Đống Đa cho biết thêm, 6 tháng đầu năm hầu như chưa triển khai thu quỹ vì người nghèo mà chủ yếu là chi quỹ từ năm trước. Ngày 18/6, MTTQ quận đã tổ chức buổi họp ban vận động triển khai công tác thu quỹ. Qua đó đưa ra nội dung: Cuối năm 2019 tập trung thu quỹ người nghèo, vừa qua Tết lại vận động quỹ biển đảo, sau đó lại dịch COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn. Do đó, MTTQ quận yêu cầu MTTQ các phường tạm dừng triển khai thu ủng hộ tại các hộ gia đình, mà tập trung ở các cơ quan đơn vị có điều kiện đóng trên địa bàn. Thông qua hình thức trích 1 ngày lương, nửa ngày lương ủng hộ quỹ… 

“Về thu chi, phường, quận đều có ban vận động thu quỹ. Khoản thu sẽ do kế toán phường tổng hợp, khoản thu sẽ do ban vận động thống nhất rồi chi, theo quy định quản lý quỹ vì người nghèo”, ông Nam thông tin. 

Một thành viên Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội cho biết, việc thu các khoản ủng hộ quỹ dựa trên tinh thần tự nguyện, không nằm trong Luật Ngân sách, không nằm trong giám sát của HĐND thành phố. Tuy nhiên, việc thu quỹ trên tinh thần tự nguyện cần cải thiện trong việc nâng cao minh bạch thu chi, giúp cho người dân hiểu rõ hơn và có tinh thần đóng góp cao hơn cho các quỹ địa phương phục vụ an sinh xã hội. 

Chị Q cho rằng, chị sống ở tổ 3 từ năm 2001 đến nay. Năm nào, tổ dân phố nơi đây cũng thu nhiều loại quỹ cứng như quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo Việt Nam, quỹ lễ đình, quỹ phường, quỹ tổ dân phố, quỹ vì trẻ thơ, quỹ nhân đạo từ thiện, quỹ tình nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ người cao tuổi, quỹ bảo trợ xã hội, quỹ hội phụ nữ... Ngoài ra, còn một số loại quỹ phải đóng đột xuất như quỹ chữ thập đỏ, quỹ cựu chiến binh, quỹ tu bổ tượng đài liệt sĩ, quỹ ủng hộ thiên tai...

Sau khi nhận được phản ánh, UBND phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc thu này là tự phát, do phường chưa có kế hoạch thu. Do đó, phường đã yêu cầu tổ dân phố trả lại người dân số tiền đã thu trước. 

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.