Loạn biển báo giao thông

TP - Lần đầu tiên, Bộ GTVT tự đánh giá về tình trạng loạn tiêu chuẩn biển báo đường bộ: Sự không nhất quán về hệ số phản quang, kích cỡ, phông chữ... là tác nhân không nhỏ gây nên các vụ tai nạn giao thông (TNGT).

> Việt Nam có biển giao thông “lạ”

Biển báo trên tuyến QL1A mới (Hà Nội-Bắc Ninh) từng khiến CSGT Bắc Ninh phạt oan người dân. Ảnh: Đức Nam.

Thay thế biển đúng tiêu chuẩn, hết 400 tỷ đồng

Vừa qua, Bộ GTVT lần đầu tiên công khai thừa nhận: “Hiện, hệ thống đường bộ các biển báo hiệu chưa theo tiêu chuẩn về chất liệu phản quang chiếm tỷ lệ rất lớn. Màng dán phản quang dùng cho biển báo hiệu đường bộ chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Chất lượng của chúng khác nhau và theo tiêu chuẩn kỹ thuật được chia làm 10 loại”.

Ngay cả kích cỡ chiều rộng, chiều cao của chữ cái, con số; khoảng cách giữa các chữ và số theo “Điều lệ báo hiệu đường bộ” hoặc “Biển chỉ dẫn trên đường cao tốc” cũng được đánh giá là có vấn đề.

Theo tính toán của các chuyên gia giao thông, chỉ riêng các biển báo hiệu (chưa theo tiêu chuẩn về chất liệu phản quang), nếu thay tất cả theo tiêu chuẩn hiện hành chi phí khoảng trên 400 tỷ đồng.

Ngay trong Chỉ thị 04 về việc thay thế biển báo chưa đảm bảo chất lượng gần đây, Bộ GTVT cũng tự “kiểm điểm” như sau: “Các tiêu chuẩn kỹ thuật về biển báo hiệu đường bộ chưa thực sự đi vào thực tế; chất lượng phản quang ảnh hưởng đến an toàn giao thông, khiến người tham gia giao thông thiếu thông tin về đường sá, dễ phát sinh TNGT vào ban đêm”.

Xuất hiện biển báo lạ

Gần đây, nhiều người dân thắc mắc không hiểu biển báo mới xuất hiện dòng chữ “AH” có ý nghĩa gì. Ngay cả các PV theo dõi ngành giao thông cũng không dễ hiểu những biển này. Đặc biệt, chúng còn được đánh số thứ tự.

Theo cách lý giải riêng của một lãnh đạo Tổng Cục Đường bộ VN, đây là biển đánh dấu đường xuyên Á. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này không lý giải rõ đã công khai ký hiệu mới này khi nào. Ngay cả Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VN Nguyễn Mạnh Hùng, cũng không hiểu ý nghĩa biển báo “AH”.

Ông nói: “Về nguyên tắc khi cắm biển báo mới phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết”.

Được biết, Bộ GTVT vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương kiểm tra, rà soát, thay thế các biển báo hiệu đường bộ chưa phù hợp theo đúng quy định trong các tiêu chuẩn kỹ thuật (phải đúng loại phản quang và phông chữ).

Ngoài ra, tổng cục này phải thông báo các thông tin cần thiết đến các nhà đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình giao thông đường bộ (theo hình thức BOT, BT, BTO)... Bộ GTVT cũng yêu cầu đơn vị này phải hoàn thành điều chỉnh các biển báo trên quốc lộ trong 2 năm tới đây.

Phạt hơn 100 xe quá tốc độ trên cầu Thăng Long

Sau một tuần bắn tốc độ trên cầu Thăng Long (từ 24-7 đến nay), Đội CSGT số 6 - CATP Hà Nội cho biết, đã có hơn 100 trường hợp vi phạm bị xử lý.

Theo đại diện lãnh đạo đội CSGT số 6, tất cả các trường hợp vi phạm đều được lực lượng làm nhiệm vụ xử lý theo Nghị định 34 Chính phủ.

Trao đổi với PV về việc sau một tuần thực hiện bắn tốc độ, giao thông và đặc biệt là tai nạn trên cầu Thăng Long có giảm, đại diện lãnh đạo Đội CSGT số 6 cho biết, mọi việc đã có chuyển biến tích cực khi trong tuần qua, trên cầu Thăng Long không xảy ra một vụ tai nạn hay ùn tắc giao thông nào.

Theo Đội CSGT số 6, trong thời gian mặt cầu Thăng Long chưa được sửa chữa một cách triệt để, CSGT tiếp tục xử lý ô tô chạy quá tốc độ khi qua cầu Thăng Long.

Theo Báo giấy