Lo ngại về quy trình lựa chọn sách giáo khoa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không chỉ đại biểu quốc hội, nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ lo ngại về quy trình lựa chọn sách giáo khoa (SGK) hiện nay theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đã có ý kiến đặt ra 3 vấn đề liên quan ngành giáo dục: Một là sai phạm ở Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam phải xử lý hình sự có phần trách nhiệm của Bộ GD&ĐT như thế nào; Hai là sai sót trong SGK mới và thái độ của Bộ GD&ĐT và các NXB trong việc tiếp thu ý kiến phê bình khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình; Và cuối cùng là việc lựa chọn SGK không minh bạch.

Về lựa chọn SGK, bà Thuý nêu, cách chọn sách hiện nay thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến nhà trường, giáo viên và điều đó được bắt nguồn từ Thông tư 25 về hướng dẫn chọn sách của Bộ GD&ĐT.

Lo ngại về quy trình lựa chọn sách giáo khoa ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy

Dù Thông tư có đề ra quy trình lựa chọn sách từ các cơ sở nhưng lại trao quyền quyết định bỏ phiếu chọn sách cho hội đồng chỉ có 15 người mà không hề có quy định một cuốn sách được cơ sở lựa chọn với tỉ lệ bao nhiêu thì hội đồng có trách nhiệm phải chọn cuốn đó.

“Tôi được nhiều ý kiến giáo viên, nhà trường phản ánh ý kiến của họ không được tôn trọng, thậm chí nhiều tổ chuyên môn, nhà trường phải làm lại biên bản chọn sách phù hợp với ý kiến cấp trên”, bà Thuý nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý cũng cho rằng, nếu không kiên quyết phát hiện xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong việc này rồi có ngày hối không kịp giống như vụ Việt Á hoặc như các vụ án hình sự đấu thầu trang thiết bị trong giáo dục.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có văn bản (Công văn số 2706) trả lời nội dung liên quan của đại biểu quốc hội đã nêu. Trong đó khẳng định, Thông tư 25 bảo đảm công tâm, khách quan, minh bạch, tôn trọng ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục.

Bộ đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về việc lựa chọn sách ở một số địa phương nhưng không nhận được phản ánh có sức ép từ cơ quan quản lý cấp trên trong việc lựa chọn sách; phiếu chọn SGK của giáo viên tại tổ chuyên môn trùng với danh sách đề xuất lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục gửi về Sở GD&ĐT để tổng hợp trình Hội đồng lựa chọn cấp tỉnh, trùng với phiếu nhận xét sách của giáo viên. Qua thống kê báo cáo của các địa phương về kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng cơ bản theo đề xuất của các nhà trường.

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý đã tiếp tục phản hồi lại Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong đó cho rằng về vấn đề lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT vẫn chưa giải thích tính hợp lý của quy định tại Thông tư 25: “Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học”. Quy định này sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa các quy định (khoản 1, 2 và 3 Điều 8, cơ sở GDPT phải tổ chức xét chọn rất công phu nhưng toàn bộ kết quả lựa chọn có thể bị một hội đồng chỉ gồm 15 người bác bỏ nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển SGK cho một môn học thì thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo.

Thứ 2 là, hiện nay do có nhiều NXB tham gia biên soạn và phát hành SGK nên đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi như: NXB đầu tư cho Sở GD&ĐT để có lợi cho việc phát hành sách của mình; cạnh tranh về tỉ lệ chiết khấu phát hành…

“Quy định tại khoản 4 Điều 8 trao toàn quyền cho Hội đồng lựa chọn SGK đã tạo điều kiện cho thành viên chỉ thực hiện quyền mà không phải chịu trách nhiệm do cơ chế bỏ phiếu kín. Kẽ hở pháp luật này rất dễ bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền dân chủ của cơ sở, làm thiệt hại cho quyền lợi của giáo viên và học sinh”, bà Thuý khẳng định.

Lo ngại bất thường

Quy trình chọn SGK theo Thông tư 25 là tổ chuyên môn ở mỗi trường cho giáo viên thảo luận và đánh giá các SGK của môn học, bỏ phiếu kín để lựa chọn. Sau đó nhà trường thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục sách tổ chuyên môn đã đề xuất và báo cáo về Sở GD&ĐT. Sau đó, Sở sẽ tổng hợp, chuyển cho Hội đồng danh mục sách được các nhà trường đề xuất để 15 thành viên nghiên cứu trong 7 ngày và bỏ phiếu kín.

“SGK được lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có SGK nào đạt trên 1/2 số phiếu, Hội đồng sẽ thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 sách cho mỗi môn học đạt số phiếu đồng ý”. Đây là quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 8 Thông tư 25.

TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, bất cứ cái gì không phù hợp cũng phải sửa, kể cả Luật. Nếu Bộ GD&ĐT để tình trạng không minh bạch kéo dài, các NXB phải mất phí “đi đêm”, cạnh tranh không lành mạnh thì mọi chi phí phát sinh sẽ khiến SGK đội giá và cuối cùng phụ huynh, học sinh phải chịu.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cách chọn sách hiện nay rất bất thường. Đáng lẽ ra giáo viên là người trực tiếp đứng lớp phải được lựa chọn quyển sách phù hợp thì lại giao quyền cho hội đồng của tỉnh. Và Thông tư 25 quy định mỗi tỉnh/TP thành lập 1 hội đồng ít người để chọn sách dễ dẫn đến không minh bạch, khách quan. Đã có giáo viên có ý kiến, họ chỉ được chọn sách trên lý thuyết.

Lo ngại về quy trình lựa chọn sách giáo khoa ảnh 2

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

“Rõ ràng hội đồng chỉ có 15 người thì chuyện không minh bạch dễ dàng hơn hàng triệu giáo viên chọn sách NXB không biết “chạy” ai. Bộ GD&ĐT có thanh tra, hỏi giáo viên có bị ai ép không làm sao người ta dám trả lời vì lâu nay, chuyện chạy chọt, đi đêm thường xảy ra đằng sau”, ông Nhĩ nói.

Lo ngại về quy trình lựa chọn sách giáo khoa ảnh 3

TS Nguyễn Tùng Lâm

Trong khi đó TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đề nghị: “Nên tôn trọng ý kiến lựa chọn SGK của giáo viên, trường học. Địa phương sử dụng SGK nào lại phụ thuộc ý kiến của một số thành viên trong hội đồng là không phù hợp, kể cả hội đồng đó có 2/3 giáo viên thì cũng chỉ là số ít người chọn sách, không đảm bảo khách quan”.

Trong khi đó TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nói rằng, khi đã có ý kiến của dư luận, đại biểu quốc hội, Bộ GD&ĐT cần thiết xem lại quy trình lựa chọn SGK. Những người làm quản lý phải có tinh thần cầu thị mới đảm bảo hiệu quả lĩnh vực mình đảm trách.

Lo ngại về quy trình lựa chọn sách giáo khoa ảnh 4

TS Lê Viết Khuyến

Một năm sau khi thực hiện xã hội hoá chương trình SGK, tháng 8/2020 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 25 quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trong đó quy định, mỗi địa phương thành lập một Hội đồng lựa chọn sách. Hội đồng gồm có 15 thành viên, trong đó ít nhất 2/3 là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên và Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở GD&ĐT giữ vai trò Chủ tịch.

MỚI - NÓNG