Lo ngại từ việc Ả-rập Xê-út phát triển hạt nhân

Ảnh vệ tinh chụp lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Ả- rập Xê - út ảnh: Bloomberg
Ảnh vệ tinh chụp lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Ả- rập Xê - út ảnh: Bloomberg
TP - Ở vùng ngoại ô thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này đang được xây dựng nhanh chóng, gây ra nỗi lo ngại lớn trong Quốc hội Mỹ và nước láng giềng Iran về nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân.

Những bức ảnh vệ tinh mới chụp cho thấy hoạt động xây dựng một lò phản ứng thử nghiệm đang được triển khai khẩn trương, chỉ 3 tháng sau khi nước này thông báo kế hoạch xây dựng, CNN dẫn lời ông Robert Kelley, cựu giám đốc thanh sát hạt nhân của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Ông Kelly ước tính lò phản ứng này có thể được hoàn tất trong 1 năm tới. Ả-rập Xê-út công khai với IAEA về chương trình của họ và cam kết chỉ phát triển hạt nhân vì mục đích hoà bình. Nhưng Thái tử Mohammed bin Salman năm ngoái nói rằng “nếu Iran phát triển bom hạt nhân, chúng tôi sẽ làm như vậy càng sớm càng tốt”. 

Một vấn đề khác gây quan ngại đối với các chuyên gia trong ngành này là việc Ả-rập Xê-út khăng khăng cho rằng họ phải được phép tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân, thay vì phải nhập khẩu theo điều kiện chặt chẽ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Khalid al Falih nói: “Việc chúng tôi phải mang uranium làm giàu từ nước ngoài về cho các lò phản ứng của chúng tôi hoạt động là việc không bình thường”, và ông cũng nói đến trữ lượng uranium của nước này. 

Lò phản ứng đầu tiên của Ả-rập Xê-út được thiết kế cho hoạt động đào tạo.Ông Kelly cho biết nó có kích thước bằng một chiếc thùng rác và không có tầm quan trọng chiến lược gì. Phải mất 100 năm lò này mới sản xuất đủ plutonium cho một vũ khí hạt nhân.

Trong bước tiếp theo, Ả-rập Xê-út sẽ chế tạo 2 lò phản ứng thương mại và đang mời  chào các nhà thầu khắp thế giới. Các hãng từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Hàn Quốc đang đấu thầu để giành hợp đồng. Ả-rập Xê-út cũng đã ký thoả thuận với một tập đoàn Trung Quốc để khai thác trữ lượng uranium ở nước này.

Trong một chuyến thăm Ryadh vào tháng 1 năm nay, ông Mikhail Chudakov, phó tổng giám đốc IAEA, xác nhận Ả-rập Xê-út đã đạt được tiến bộ đáng kể trong phát triển hạ tầng hạt nhân. Khi chuẩn bị bước sang giai đoạn tiếp theo là cấp nhiên liệu cho lò phản ứng ở thành phố King Abdulaziz và bất kỳ nhà máy hạt nhân thương mại nào, Ả-rập Xê-út cam kết sẽ để IAEA giám sát kỹ lưỡng hơn. 

Tranh cãi ở Mỹ
Hoài nghi trong Quốc hội Mỹ rằng Ả-rập Xê-út có phải một đối tác đáng tin cậy hay không gia tăng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái. Nhiều nhà làm luật Mỹ lo ngại việc chia sẻ công nghệ hạt nhân với Ả-rập Xê-út cuối cùng có thể dẫn đến chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.

Khi được hỏi rằng Ả-rập Xê-út có thể được chấp nhận trở thành một quốc gia hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình cuối tuần qua: “Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới…Tổng thống hiểu rõ mối đe dọa của sự phổ biến hạt nhân. Chúng tôi sẽ không viết tờ séc 150 triệu USD với Ả-rập Xê-út và trao cho họ năng lực đe dọa Israel và Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, không bao giờ”. 

Nhưng vào tháng 2 vừa qua, các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Hạ viện nói rằng các quan chức Nhà Trắng đã thúc đẩy việc bán công nghệ hạt nhân cho Ả-rập Xê-út, bất chấp cảnh báo từ các quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia. Hãng tin Reuters gần đây cũng dẫn các tài liệu nói rằng Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã bí mật chấp thuận cho các công ty bán công nghệ năng lượng hạt nhân cho Ả-rập Xê-út.

Trong một cuộc tranh cãi nảy lửa tại Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Perry nói rằng nếu Mỹ không hợp tác với Ả-rập Xê-út, họ sẽ quay sang Nga hoặc Trung Quốc để phát triển công nghiệp hạt nhân. “Đó là lý do chúng tôi tiếp tục làm việc rất rất siêng năng để đưa những quốc gia muốn phát triển chương trình hạt nhân dân sự vào phạm vi ảnh hưởng của Mỹ”. ông Perry nói. 

Ông cho biết Bộ Năng lượng Mỹ đã chấp thuận cho nhiều công ty Mỹ bán công nghệ điện hạt nhân và hỗ trợ cho Ả-rập Xê-út.Tuy nhiên, những công ty này không được phép chuyển giao vật liệu, thiết bị hoặc linh kiện hạt nhân.

Nhưng Iran cáo buộc chính quyền Trump có kế hoạch bán công nghệ hạt nhân cho Ả-rập Xê-út mà không có đủ biện pháp bảo vệ. “Đầu tiên là một nhà báo bị cắt chân tay; giờ vụ lén lút bán công nghệ hạt nhân cho Ả-rập Xê-út phơi bày tất cả thói đạo đức giả của Mỹ”, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter hồi tháng 2. 

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".