Lo ngại tiêu cực từ cơ chế xin cho

TP - Việc tranh giành “miếng bánh” 70 nghìn tấn đường nhập trong hạn ngạch do Bộ Công Thương phân bổ khiến thị trường đường thời gian qua nhiễu loạn. Khoản lợi nhuận cả trăm tỷ đồng rơi vào túi doanh nghiệp xin được quota.
Giá đường giảm sâu, ảnh hưởng đến giá mua mía của nông dân Ảnh: Đình Huệ

> Cuộc chiến 70.000 tấn đường giá rẻ

Tại hội nghị tổng kết niên vụ 2011-2012 do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm qua, 10-8, đại diện các nhà máy đường, cho biết vì “miếng bánh” 70 nghìn tấn đường nhập trong hạn ngạch giá rẻ mà thị trường đường sinh nhiễu.

Về giá đường Việt Nam cao hơn giá thế giới, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Cty CP đường Biên Hòa cho biết, tất cả các nước, kể cả Thái Lan là nước có sản lượng đường gấp 6 lần Việt Nam, thì giá nội địa của họ do nhà nước khống chế ở mức hợp lý và hiện là 20-21 nghìn đồng/kg.

Còn hiện đường tinh luyện trong nước của nhà máy khoảng 16-17 nghìn đồng/kg, còn tinh luyện thêm là 17-18 nghìn đồng/kg.

Liên quan các DN tiêu dùng đường lớn kêu thiếu đường, ông Lộc cho hay, hàng năm sản lượng của Biên Hòa khoảng 100 nghìn tấn, thì 20 nghìn tấn đóng túi bán trực tiếp, còn 80 nghìn tấn là bán theo kế hoạch dài hạn cho các đối tác.

Các “ông lớn” kêu thiếu là từ thời điểm sắp cấp hạn ngạch 70 nghìn tấn khoảng tháng 6. “Những DN kêu đó không phải là tay mơ, họ là DN đa quốc gia, lớn nên có kế hoạch cung ứng nguyên liệu cho cả năm, nguồn ở đâu, chi phí, cơ cấu giá thành ra sao… chứ không phải là DN cò con ăn đong từng bữa. Việc kêu là “chiến thuật qua người” không thật”- ông Lộc nói.

Ông Đỗ Thành Liêm TGĐ Cty CP Đường Khánh Hòa nói. “Việc nhiễu thông tin là vì lợi nhuận khổng lồ cỡ hàng trăm tỷ từ 70 nghìn tấn giá rẻ. Họ được nhập đường giá rẻ, nhưng có DN nào sử dụng đường đó nói rằng, do nhà nước ưu đãi, tôi bán sản phẩm rẻ cho người tiêu dùng Việt Nam không” - ông Liêm phân tích.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía-Đường Việt Nam (VSSA) cho biết, giá đường thương mại thế giới luôn thấp, còn giá đường nội địa các nước luôn cao.

Tất cả các nước, kể cả Thái Lan, dù thừa đường như vậy, nhưng giá trong nước khoảng 21 nghìn đồng/kg, Trung Quốc khoảng 27-28 nghìn đồng/kg. Riêng Thái Lan họ có 3 dòng quota, cho xuất khẩu, tiêu thụ trong nước, còn dư ra cho các nhà máy tự do bán, với sự hỗ trợ của nhà nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, việc hạn ngạch chỉ 70 nghìn tấn, nhưng 100 người xin, nên sinh ra cơ chế xin cho. Vì vậy phải có hình thức đấu thầu cho minh bạch.

Tại buổi họp báo hôm qua, về việc ban hành hạn ngạch thuế quan năm 2012 với một số mặt hàng trong đó có đường, đại diện Bộ Công thương cho biết, đã công bố quyết định phân bổ nhập đường tinh luyện, đường thô là 70.000 tấn.

Niên vụ 2011-2012, sản lượng đường cả nước đạt 1,38 triệu tấn. Hiện, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến hết tháng 7 là hơn 212 nghìn tấn, tại các Cty thương mại trong hiệp hội là hơn 14 nghìn tấn. Theo kế hoạch, sản lượng đường sản xuất niên vụ 2012-2013 là gần 1,6 triệu tấn. Năm 2013, lượng đường nhập khẩu theo cam kết WTO là 74.000 tấn, mức tiêu thụ trong nước khoảng 1,4 triệu tấn, nên có khả năng dư thừa 200 nghìn tấn đường.

Theo Báo giấy