Vụ sạt lở đá núi kinh hoàng…
Khoảng 7 giờ 40 phút ngày 25/10, một phần vách núi Bà Hỏa từ độ cao khoảng 15-20 m bất ngờ bị sạt lở và đổ ập xuống đường Nguyễn Tất Thành nối dài (gần nút giao thông ngã năm Đống Đa - Trần Hưng Đạo), thuộc khu vực 5, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn).
Một số tảng đá khối rất lớn cùng đất đá lao xuống đường, khiến 3 người đang đi 2 xe máy trên đường bị thương. Trong đó chị Nguyễn Thị Phú (trú tại phường Thị Nại, Quy Nhơn) bị thương nặng nhất phải đi cấp cứu.
Đã mấy ngày trôi qua, nhiều người dân trú tại khu vực này vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà Lê Hồng Phúc (45 tuổi), trú tại khu vực 5, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, cho biết: Sáng 25/10, đang đứng bán bánh mì thì bà nghe một tiếng ầm. Giật mình ngước mắt lên nhìn thì bà trông thấy đá núi từ trên cao đổ xuống. Trong đó có mấy tảng đá lớn ập xuống văng trúng người đi đường…
Chồng nạn nhân Nguyễn Thị Phú, anh Xuân Vinh, kể lại: Sáng 25/10, vợ anh có việc đến ngân hàng để giao dịch. Khi vừa đến đoạn đường trên thì bất ngờ đá núi Bà Hỏa đổ xuống làm chị Phú bị thương nặng, phải đưa vào Bệnh viện đa khoa Bình Định cấp cứu. Theo chẩn đoán của bác sĩ thì chị Phú bị rạn xương sườn, xương cổ, xương hàm và nứt xương vai,…
Dự án tiền tỷ gây bất an
Vụ sạt lở đá núi Bà Hỏa xảy ra ngay gần vị trí mà UBND tỉnh Bình Định từng định xây dựng công trình phù điêu mang biểu tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ trị giá trên 86 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 9/2019, tỉnh Bình Định cho triển khai lập dự án xây dựng phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”. Vị trí xây dựng phù điêu là núi Bà Hỏa, khu vực ngã năm đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm TP Quy Nhơn.
Hiện trường vụ sạt lở đá núi Bà Hỏa xảy ra vào ngày 25/10/2021 |
Theo thiết kế, dự án phù điêu có tổng chiều dài 81,5m, cao 36m, sâu 25m, phần mặt phẳng nằm tạo thành sân quảng trường rộng khoảng 3.000m2. Tổng mức đầu tư dự án là trên 86 tỷ đồng. Về phương án thi công, phù điêu sẽ được cắt sâu vào vách núi Bà Hỏa khoảng 25m và sẽ được tạc thẳng vào đá núi với 3 lớp…
Theo Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định, dự án phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ” sẽ là “bức phù điêu độc đáo của Việt Nam”. Thậm chí có tờ báo còn khẳng định: “Đây là bức phù điêu độc nhất vô nhị”(!?).
Tuy nhiên, thời gian qua, cũng đã có nhiều ý kiến không đồng tình về dự án trên, trong đó có những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật… Một số hạn chế, bất cập của dự án đã được các nhà nghiên cứu phân tích, chỉ ra. Theo đó, bên cạnh hạn chế về nội dung, chủ đề, ý tưởng nghệ thuật, có 4 “vấn đề nổi cộm” với những bất cập được đặt ra. Đó là: Vị trí xây dựng dự án; Phương án thi công; Chất liệu, vật liệu thể hiện; Nguồn kinh phí đầu tư dự án…
Theo thiết kế, dự án phù điêu có tổng chiều dài 81,5m, cao 36m, sâu 25m, phần mặt phẳng nằm tạo thành sân quảng trường rộng khoảng 3.000m2. Tổng mức đầu tư dự án là trên 86 tỷ đồng. Về phương án thi công, phù điêu sẽ được cắt sâu vào vách núi Bà Hỏa khoảng 25m và sẽ được tạc thẳng vào đá núi với 3 lớp…
Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng: Việc xây dựng công trình phù điêu tại khu vực nút giao thông quan trọng với lưu lượng người qua lại đông sẽ tiềm ẩn những nguy cơ về tai nạn giao thông. Đáng lưu ý là về chất liệu và giải pháp thi công dự án. Theo các chuyên gia, việc thi công thực hiện cụm phù điêu bằng chất liệu đá tự nhiên với giải pháp tạc trực tiếp vào vách đá núi Bà Hỏa không hề đơn giản, thậm chí đáng lo ngại. Bởi lẽ, qua quá trình khoan thăm dò, các nhà khoa học xác định: Núi Bà Hỏa có nền địa chất gồm đá núi lửa rhyolite, đá cao oxit silic (Si02) tương đối bền với thời gian nhưng dễ nứt nẻ. Loại đá thứ hai là đá trầm tích (loại cát kết, cuội kết), độ ổn định kém. Đây sẽ là khó khăn, thách thức đối với những người thi công, nhất là khả năng xảy ra tình trạng sứt mẻ, vỡ bể khi đục, đẽo, tạc phù điêu.
Theo các chuyên gia, về lâu dài, qua thời gian mưa, bão, xảy ra trường hợp có đới đứt gãy chạy qua, đá trầm tích rất dễ bị sạt lở và sẽ tác động không nhỏ đến tuổi thọ công trình. Các chuyên gia cảnh báo: Nếu chỉ qua 10 đến 15 năm, hoặc vài ba năm mà công trình xuống cấp, sạt lở, hư hỏng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Ông Vũ Hoàng Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói rằng: “Không làm dự án phù điêu theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”. Bởi, nếu chất lượng không tốt thì biết ăn nói sao với người dân. Đặc biệt, công trình này dựa vào vách núi, cần nghiên cứu loại đá ở đây có đủ tiêu chuẩn không, cắt sâu thì có bền vững muôn đời hay chỉ 1-2 nhiệm kỳ lãnh đạo sẽ sạt lở, hư hỏng?”.
Đó là những cảnh báo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà quản lý… Và vụ sạt lở đá núi mới đây chính là lời cảnh báo từ thiên nhiên! Những lời cảnh báo vô cùng xác đáng và cần thiết không chỉ đối với Bình Định, mà cả đối với những địa phương đã, đang đua nhau xây dựng những dự án điêu khắc tiêu tốn tiền tỷ…