Lò luyện thợ giỏi mang chất lính

Lò luyện thợ giỏi mang chất lính
TP - Chàng trai trẻ Lê Công Danh, sinh năm 1987, quê Đông Triều, Quảng Ninh đã đến với Trường Cao đẳng nghề số 3, Kiến An, TP Hải Phòng ngay sau khi rời quân ngũ.

Vẫn quần áo lính và chiếc ba lô xanh cõng theo sau khi rời quân ngũ, anh về nhà ít ngày thăm gia đình, rồi lên xe đến trường, nơi mà anh và nhiều đồng đội đã kịp ghi tên trở thành học viên học nghề ngay trong những ngày sắp ra quân.

Trong xưởng thực hành của Khoa cơ khí, bên chiếc máy hàn nhãn hiệu OTC hiện đại, Danh khéo léo gắn một vết hàn khá đẹp. Cạnh đó, các học viên khác còn rất trẻ, cũng đang say sưa luyện “mỏ” (mỏ hàn) dưới sự chỉ dẫn nghiêm ngặt của thầy.

Danh cho biết, lớp nghề hàn của anh học trong 2 năm với mức học phí hơn 100.000 đồng/tháng (đã được giảm 60% học phí vì là đối tượng quân nhân xuất ngũ) và chỉ 10 tháng nữa sẽ kết thúc.

Ngay trong thời gian thực tập, những học viên khoa cơ khí đã có thể kiếm sống với tiền công 120.000 đồng/ngày và thêm một bữa cơm trưa, thậm chí thực tập vào ngày chủ nhật còn được trả công gấp đôi.

Còn đối với học viên đã tốt nghiệp thì khỏi phải nghi ngờ về “đẳng cấp” của họ.

Thiếu tá Nguyễn Quang Trung, Trưởng khoa Cơ khí, cho biết: Trong năm 2008, Cty Tân Thế Kỷ đã tiếp nhận 80 thợ từ trường cao đẳng nghề số 3; Tổng Cty Lisemco (thuộc Lilama) đã đặt hàng 350 thợ từ năm 2007-2010.

Có lẽ lo bị “cháy hàng”, Cty Lisemco đã hỗ trợ nhà trường 100USD/đào tạo 1 học viên. Còn Tổng Cty đóng tàu Nam Triệu cũng lên kế hoạch dài hơi để mong có được những người thợ có phẩm chất từng là người lính, với con số 76 thợ đến năm 2010.

Mức lương mà Nam Triệu cũng như hàng loạt Cty khác bỏ ra không dưới 2,5-3 triệu/thợ bậc 3/7 (mới ra trường). Bất cứ doanh nghiệp nào đứng chân ở địa bàn QK3, nhất là khu vực Hải Phòng, có nhu cầu tuyển dụng đều phải thừa nhận họ đã kiếm được những tay thợ “thiện chiến” mang nhãn hiệu lính.

Một minh chứng khác, đó là các Cty xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng đã đặt vấn đề với Trường Cao đẳng nghề số 3 từ lâu, trong việc đào tạo và cung cấp lao động cho các thị trường nước ngoài.

Đầu năm 2008, một Cty thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã không ngần ngại chi ngay cho nhà trường 6 triệu đồng/học viên để hỗ trợ đào tạo nâng cao thêm 3 tháng cho 70 thợ để đưa sang Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất), Nhật Bản...

Cũng trong năm nay, khi nhà trường vừa cùng Cty AIC đưa 54 học viên đi XKLĐ tại Đài Loan và Kô-Oét thì đã phải lao ngay vào kế hoạch dạy tiếng Hàn cho 500 học viên khác để chuẩn bị xuất ngoại.

Chỉ mới đi thăm một trong những khu xưởng thực hành của trường đã thấy cơ ngơi bề thế, rộng lớn. Khoa ôtô-Xe máy nhà xưởng ngang dọc, tiếng gõ, tiếng máy rền vang.

Hàng chục đầu môn học với lưu lượng 650 học viên liên tục kèm cặp học đi đôi với hành (1 tiết lý thuyết xen 1 tiết thực hành) đã cho thấy tất cả bận rộn nhường nào. Ngành ôtô - xe máy đang “hot” đến mức khoa luôn bị “cháy” thợ mới ra trường, thậm chí hãng Ford cũng phải tìm đến đây để mong có những tay thợ xịn.

Nhưng không phải đơn giản để có được uy tín đó. Nhà trường đã mạnh dạn đầu tư những học cụ ngoại, máy mô hình xe Altis, máy kiểm định Stargas hiện đại nhất trong khối dạy nghề của toàn quân và trả lương “khủng” cho giáo viên.

Nhưng chắc chắn, theo một cán bộ nhà trường, phẩm chất quyết liệt trong học tập của những thanh niên xuất ngũ chính là yếu tố thành công.

Trần Quang Đạt, người lính Lữ đoàn phòng không H14 sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về Hưng Yên, bốn năm làm đủ thứ nghề kiếm sống, khi thì làm may, lúc đi cày, vẫn nghèo đến nỗi chưa dám... yêu ai.

Và khát khao có một nghề để vào đời đã đưa anh trở lại QK3 rồi được tuyển vào học lớp công nghệ ôtô. Đạt tâm sự, chính đồng đội của anh đã trưởng thành từ đây, giàu với nghề (đã có người trở thành ông chủ doanh nghiệp ôtô), “phím” cho anh con đường lập thân tuy hơi muộn này.

Học phí gần như được miễn phí, thầy giáo, môi trường, ngành học đều “chuẩn”, anh quyết tâm không buông cơ hội để nắm chặt một “vũ khí vàng” trong hành trang của mình.

Đạt cho biết rất có thể anh sẽ quyết vào làm việc tại Cty ôtô Cửu Long ở ngay trên quê hương mình sau khi tốt nghiệp.

Tiền thân Trường Cao đẳng nghề số 3 – Quân khu 3 là trường đào tạo lái xe Quân đội thành lập năm 1960. Từ nơi đây, hàng ngàn chiến sỹ lái xe đã được chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thời bình, nhiệm vụ đào tạo nghề với ba cấp cao đẳng (3 nghề), trung cấp (12 nghề) và sơ cấp (15 nghề) cho bộ đội xuất ngũ đã trở thành nhiệm vụ cốt cán của nhà trường. Năm 2008 trường đã tư vấn học nghề cho 18.000 bộ đội xuất ngũ.

Mỗi năm nhà trường đào tạo 10.000 thợ kỹ thuật tay nghề cao các loại và phần lớn trong số này là bộ đội xuất ngũ. Trường còn đào tạo liên thông, liên kết với Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH Nông nghiệp, mở các lớp cao đẳng động lực và kỹ sư.

Được đánh giá là một trong những trường nghề hiện đại nhất toàn quân, trường có đủ phương tiện với 133 ôtô và xe máy thi công công trình, 120 máy vi tính, 28 máy hàn, 20 máy camera theo dõi giảng dạy, hàng chục nghìn đầu sách...

Năm 2007, trường đã đầu tư 27 tỷ đồng phục vụ đào tạo. Ngoài hàng loạt bằng khen, phần thưởng, cờ thi đua từ ngày thành lập đến nay, năm 2008 nhà trường đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Nhà nước trao tặng.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.